Tết qua “mùng”

Giảng đường: lèo tèo, quán xá: chật kín

Giảng đường: lèo tèo, quán xá: chật kín

Hàng năm, sau tết, đúng mùng 10, các trường đại học và cao đẳng đã đi vào giảng dạy bình thường. Nhưng nhiều sinh viên vẫn tiếp tục nghỉ, với nhiều lý do khác nhau và tự cho phép mình “gia hạn” nghỉ cả chục ngày mới vào học. Giảng đường ở các trường đại học sau tết vắng hoe.

Giảng đường vắng vẻ

Đã hết thời gian nghỉ tết, các trường đại học đi vào hoạt động nhưng nhiều SV vẫn biệt tăm, chỉ có số ít SV lèo tèo đến giảng đường, đó là điểm chung của các trường.

Dạo quanh các phòng học của Trường Đại học Khọc học Xã hội – Nhân văn (cơ sở Thủ Đức, TPHCM), chúng tôi thấy trong các phòng học chỉ vài SV lớp ngữ văn Trung khóa 2006-2010 chỉ có 10/48 SV.

Thê thảm nhất phải kể đến lớp địa lý (khóa 2004-2008) chỉ khoảng 10 SV trong một căn phòng rộng lớn. Tại một số phòng học khác, các giảng viên đang… “đợi” SV vì trong phòng chỉ vài người. Ngày 2-3, lúc 16 giờ, môn văn học phương Đông phòng B.205 (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, quận 1) có lớp báo chí 3 và 4 học chung.

Sĩ số hai lớp gần hai trăm SV nhưng các bạn đến chưa được phân nửa. Đấy là lúc thầy chưa điểm danh, khi thầy điểm danh xong, một số SV lẻn ra về theo đường “thoát hiểm”, để lại nhiều hàng ghế trống.

Giảng đường: lèo tèo, quán xá: chật kín ảnh 1

Sinh viên vẫn thưa thớt trên giảng đường (tại lớp toán, phòng A117, Trường ĐH Sư phạm TPHCM lúc 15 giờ 30 ngày 2-3-2007). Ảnh: N.H.

Đến các Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học Tự nhiên... vào tuần đầu tháng 3, khung cảnh cũng không khác gì.

Bạn L.T. L. lớp Anh văn DH05AB khóa 31 (Đại học Nông Lâm) cho biết: “Gần cả một tuần nay không có buổi nào mà các bạn lớp mình đi học đủ cả”.

Khi tiết học đã gần kết thúc, 30/100 là số SV hiện diện của lớp toán 2 tại phòng A117 (Đại học Sư phạm). Buổi học đầu tiên sau tết của lớp lý 3 (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) chỉ 1/4 SV lớp có mặt. Bạn V.T. ngồi gần bên tôi nói nhỏ “Tết mà, như vậy là đông lắm rồi đó”.

Giảng viên cũng có người ăn tết “kỹ” khiến SV không khỏi phiền lòng. Theo lịch học của Trường ĐH KHXH-NV, 6 giờ 45 phút bắt đầu học tiết thứ nhất nhưng đến 7 giờ sáng ngày 2-3-2007 tại trước dãy nhà B các SV lớp báo chí khóa 2005-2009 vẫn ngồi chờ giảng viên.

Một SV nói: “Chắc sáng nay nghỉ nữa quá! Nếu biết thế này thì ở nhà thêm vài ngày nữa có phải là sướng hơn không?”. Cực nhất là những SV trọ ở thành phố lên Thủ Đức học, mất cả tiếng đồng hồ mệt mỏi trên xe buýt, xuống đến nơi không có giảng viên, phải quay về.

Cứ từ từ... lên giảng đường

Không về quê vào dịp tết, ở lại thành phố tìm việc làm, H.T. (SV Khoa quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế) kiếm được kha khá tiền. Nhân dịp đầu năm, gặp bạn bè, H.T. bày tỏ tình cảm của mình bằng… bia rượu.

Cả tuần H.T không thấy “mặt trời” đâu cả để rồi không đến lớp được. Theo H.T., “học hành là chuyện cả đời lo gì dăm ba ngày, bây giờ vẫn còn tết mà, cần lắm thì đến khi thi, mượn vở bạn chép là được”.

Giống như H.T., bạn T.L. (Khoa sử Trường ĐH KHXH-NV) có kết quả thi học kỳ 1 không khả quan lắm, đã có lịch thi lại nhưng T.L. không lo học bài mà chỉ “dúi” đầu vào rượu chè, cờ bạc vào những ngày “hậu” tết. T.H. từng nói “Học hành thi cử làm chi, Tú Xương còn rớt huống chi tụi mình” rồi bỏ bê việc học.

Thông thường, mỗi môn học, nếu SV vắng 3 buổi, giáo viên có quyền quyết định cấm thi. Một số SV lợi dụng quy định đó mà nghỉ, nghỉ đến lần thứ hai mới đi học, mà biết đâu thầy cô không điểm danh.

Nếu giả sử bị cấm thi lần này thì thi lần hai, lần ba... Một số SV luôn có cách ứng phó để có thời gian “ăn chơi”. Với suy nghĩ như vậy, người bị thiệt chính là họ.

Qua chuyện trò, chúng tôi thu nhận được một số ý kiến của nhiều bạn cho biết vì sao các bạn lại “ngao ngán” bê trễ trong dịp đầu năm. Phần lớn các sinh viên đều cho rằng sống xa quê, một năm mới về có một hoặc hai lần, muốn ở lại với gia đình lâu hơn.

Một số bạn khác lại nói, sau tết việc đi lại rất khó khăn, giá cả đắt đỏ, xe nhồi nhét cả trăm người trong một chiếc vài chục chỗ. Rồi những câu: Vào lúc này thầy cũng chẳng dạy đâu, hơn nữa các bạn đến chưa đủ, thôi thì việc lên giảng đường cứ từ từ, tháng giêng là tháng ăn chơi mà…

Đến làng Đại học Thủ Đức vào những ngày đầu năm, nhìn vào các quán cà phê, quán lẩu, quán nào cũng chật kín sinh viên đang ăn uống. Tại các quán lẩu quen thuộc của SV như quán lẩu 77, quán lẩu Sáu Trang, quán lẩu 44, quán Phượng Hồng… từ ngoài vào trong, đâu đâu cũng thấy SV đang… nhậu.

Hàng trăm SV của các Trường ĐH Thể dục Thể thao, Khoa học Tự nhiên, An Ninh đến Khoa học Xã hội Nhân văn đều “tựu” về các quán này. Những câu “mừng năm mới!”, “một… hai… ba… dzô!”, “không say không về”… hầu như vang lên từ mọi chiếc bàn trong các quán.

Một điều đáng chú ý ở đây là không chỉ SV nam mà rất nhiều nữ “tiểu thư” cũng uống rất… “dữ”. Đến hơn 11 giờ đêm tại các quán, một số SV vẫn còn “miệt mài” bám trụ.

Các trường đại học và tổ chức đoàn thể trong trường có biện pháp gì trước tình hình dạy và học chưa nghiêm túc sau mỗi dịp tết qua như trên!? 

NGỌC HIẾU – QUANG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục