Giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài rồi… mất hút: Có quy định ràng buộc, nhưng khó xử lý

Nhiều trường đại học cử giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao trình độ, nhưng sau đó những giảng viên này mất hút, không liên lạc được. Dù có nhiều cam kết, quy định ràng buộc trước khi cử đi học, nhưng việc xử lý cá nhân vi phạm rất khó khăn.
Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trao bằng tiến sĩ năm 2023
Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trao bằng tiến sĩ năm 2023

Nhiều đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã có 5 đề án đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, giảng viên học tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, năm 2000, Chính phủ phê duyệt đề Đề án 322 (giai đoạn 2000-2005), với kinh phí trong năm 2000 là 100 tỷ đồng; từ năm 2005-2014 thực hiện Đề án 356 (giai đoạn 2006-2010, mỗi năm tuyển 400 chỉ tiêu), với kinh phí 260 tỷ đồng/năm. Khi Đề án 356 chưa kết thúc thì tiếp tục ra đời Đề án 911 “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020”, mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới, với tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng (ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%, từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%, các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các nhà trường chiếm 1%).

Đề án 911 thực hiện đến năm 2016, có 2.050 nghiên cứu sinh trong nước, 2.900 nghiên cứu sinh nước ngoài, 27 nghiên cứu sinh phối hợp đào tạo. Đến năm 2017, Đề án 911 dừng tuyển sinh. Trong lúc Đề án 911 chưa kết thúc thì tiếp tục có Đề án 599 “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020”, với kinh phí 2.070 tỷ đồng, để đào tạo 1.800 tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Đến năm 2019, Chính phủ lại phê duyệt Đề án 89 (thực hiện từ năm 2019-2030).

Theo kế hoạch triển khai đề án của Bộ GD-ĐT, trong 10 năm sẽ có 7.300 tiến sĩ đào tạo trong nước và nước ngoài; trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Theo đánh giá của các trường đại học, điểm đáng chú ý trong kế hoạch triển khai Đề án 89 của Bộ GD-ĐT là quy định: người được cử đi đào tạo phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành trong các trường hợp tự ý bỏ học; không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi (hoặc tại cơ sở có ký thỏa thuận cam kết tiếp nhận giảng viên), hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Khó xử lý vi phạm

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: Các đề án của Chính phủ là chủ trương rất tốt của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cho các cơ sở giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điều rất khó để giải quyết.

Trước đây, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng có người được cử đi học theo Đề án 322 và Đề án 911. Tuy nhiên, nhiều người khi đi học tiến sĩ ở nước ngoài thì tìm cách xin gia hạn để làm nghiên cứu sau tiến sĩ, hoặc tìm cách ở lại, không về; cũng có trường hợp học xong về trường làm, nhưng do lương quá thấp nên họ luôn có ý muốn bỏ sang các trường khác có mức lương, thu nhập cao hơn. Còn đối với trường hợp đi học rồi tìm cách ở lại nước ngoài thì không có cách nào xử lý!

“Chính vì vậy, điều khó nhất hiện nay chính là quy định “cơ sở cử giảng viên đi đào tạo có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định”. Chỉ khi chúng ta tìm cách giải quyết điểm nghẽn này thì việc thực hiện các đề án mới thật sự hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách”, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xử lý đền bù và thu hồi chi phí đào tạo, mới đây, Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Trường Đại học Cần Thơ đưa vào danh sách bồi hoàn kinh phí theo quy định đối với một số nghiên cứu sinh. Trường Đại học Cần Thơ hiện có 12 viên chức đang học trình độ tiến sĩ ở nước ngoài. Từ tháng 1-2022 đến tháng 3-2023, trường đã thực hiện quy trình xét đền bù chi phí đào tạo với 4 trường hợp (1 người theo Đề án 599 và 3 người theo Đề án 911). Trong đó, 1 trường hợp không yêu cầu đền bù do chuyển công tác sang cơ sở đào tạo công lập khác. Trường Đại học Cần Thơ đã thông báo cho 3 viên chức còn lại về việc đền bù chi phí đào tạo, nhưng đến tháng 6-2023, cả 3 viên chức chưa thực hiện đền bù.

Theo đại diện nhà trường, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi kinh phí đào tạo là: không liên hệ trực tiếp được với 3 viên chức này; trường đã gửi văn bản nhiều lần nhưng không có phản hồi; đương sự gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe hoặc khó khăn về tài chính, khó có khả năng đền bù; đề nghị đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại hỗ trợ giải quyết nhưng không nhận được sự phối hợp…

Tin cùng chuyên mục