Sau nhiều đợt cải cách về giáo dục đến nay, nội dung giảng dạy trong học đường vẫn thiếu các môn học về văn hóa nghệ thuật cho học sinh. Hậu quả là các thế hệ trẻ thơ không được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về văn hóa nghệ thuật dân tộc, tri thức, trình độ thẩm mỹ nghệ thuật yếu.
Vở kịch lịch sử “Hai Bà Trưng” được dàn dựng để biểu diễn phục vụ ở các trường THCS
Chưa được chú trọng
Trong nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật nhà nước và xã hội hóa đã có nhiều nỗ lực xây dựng các chương trình, kịch mục văn nghệ, đem đến các trường học biểu diễn, giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với các loại hình nghệ thuật. Nhưng, tất cả chỉ mới gói gọn trong hai chữ phong trào, theo mùa, chưa được xây dựng thành một dự án đào tạo chính quy, lâu dài.
Ở cấp 1 và cấp 2 (tiểu học, THCS), các em học sinh chỉ được học rất sơ sài về nhạc lý (cách đọc nốt nhạc), tập hát một số bài dân ca, nhạc thiếu nhi đơn giản. Ở lứa tuổi này (từ 7 đến 15 tuổi), đa số các em không biết nghệ thuật hát bội là gì, cải lương diễn như thế nào, đờn ca tài tử đàn hát ra sao, các loại nhạc cụ dân tộc có đặc điểm gì khác nhau để nhận biết… Trong trường học, đa số các em đều bày tỏ sự kém thích thú với giờ học nhạc. Ngoài việc biết hát một số bài được dạy trên lớp thì phần lớn lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng hiện nay rành nhất, thuộc nhất lại là những sáng tác yêu đương người lớn của dòng nhạc trẻ trong nước, quốc tế.
Âm nhạc và sân khấu là hai loại hình dễ tiếp cận, dễ đi vào lòng người nghe, người xem, dễ chạm đến sự rung cảm tâm hồn, giúp dưỡng nuôi tư duy, tôi luyện quan điểm thẩm mỹ nghệ thuật cùng sự phát triển thể chất của con trẻ. Nhưng một khi kiến thức nền về văn hóa nghệ thuật, nhất là âm nhạc và sân khấu, không được trang bị đầy đủ, thì chắc chắn những mầm non tương lai sẽ trưởng thành trong sự khiếm khuyết về tâm hồn, tinh thần, tri thức văn hóa nghệ thuật.
Cứu cánh tạm thời
Với nỗi lo về một tương lai không xa, sân khấu kịch sẽ mất dần khán giả vì thế hệ trẻ tiếp nối thiếu sự hiểu biết, yêu quý, trân trọng loại hình nghệ thuật độc đáo này, ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch IDECAF, bà “bầu” Hồng Vân của sân khấu kịch Phú Nhuận và Superbowl đã tích cực chủ động tìm kiếm các nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân để hỗ trợ đầu tư dàn dựng các vở kịch lịch sử dành cho thiếu nhi, các tiểu phẩm kịch ngắn giáo dục về an toàn giao thông, về môi trường… dành cho các em học sinh tiểu học.
Ngoài các sân khấu kịch trên, đơn vị Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM hiện nay vẫn duy trì được đều đặn 3 suất diễn/tháng, tại các trường tiểu học và THCS, với kinh phí do Sở VH-TT TPHCM cấp, tuy nhiên số tiền đầu tư cho hoạt động biểu diễn này còn rất khiếm tốn. Phía NGƯT Thúy Hoan, NSƯT Hải Phượng và CLB Tiếng hát quê hương hiện vẫn nỗ lực tìm kiếm các mối liên kết với các trường tiểu học để tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu và biểu diễn, giới thiệu nhạc cụ dân tộc, dạy hát dân ca, điệu lý cho học sinh.
Nhìn chung, các chương trình sân khấu học đường vẫn đang được duy trì hoạt động, nhưng cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí tổ chức biểu diễn. NSND Hồng Vân từng chia sẻ nỗi lo lắng: “Nếu bây giờ mình không làm, không đem loại hình kịch nói đến với các em, giúp các em hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này, để các em cảm nhận và yêu quý, thì không bao lâu nữa, lĩnh vực sân khấu kịch nói sẽ không thể có được một lực lượng khán giả kế thừa. Chúng tôi nỗ lực làm điều này chỉ với một mục tiêu: đào tạo nguồn khán giả tương lai cho sân khấu kịch nói”.
Trong năm học 2015-2016, IDECAF đã tổ chức được 120 suất diễn tại 55 trường tiểu học (bình quân 9 suất/tháng) với giá vé chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng. Bước vào năm học mới 2016 - 2017, IDECAF tiếp tục dàn dựng vở kịch lịch sử Ngô Quyền, bên cạnh còn chuẩn bị 50 suất diễn kịch rối phục vụ miễn phí ở 50 trường mầm non, tiểu học ở các quận, huyện ngoại thành: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức… Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ: “Mấy năm gần đây chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư xây dựng những vở kịch lịch sử dành cho thiếu nhi. Làm kịch cho các em rất khó, nhưng nếu mình không làm cũng không có mấy ai chịu đầu tư vốn để làm, vậy thì các thế hệ trẻ thơ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Đem kịch nói đến cho các em, dõi theo từng suất diễn, tôi thấy được sự thích thú của các em học sinh đối với sân khấu, với nghệ thuật”.
Những việc cần làm ngay
NS Trần Long Ẩn tâm tư: “Phải làm sao cho các em học sinh được tiếp cận, nghe các loại nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây, biết phân biệt các loại nhạc cụ, biết tính năng của các nhạc cụ. Cần thiết, phải mời thầy giỏi về dạy cho các em những nốt nhạc ban đầu. Nhưng bây giờ, giáo trình dạy học về âm nhạc cho học sinh quá sơ sài, hậu quả là các em thường hát phô, không có kỹ năng nghe, thẩm thấu, cảm thụ âm nhạc, việc sử dụng đàn organ điện tử vô tình làm hư tai, hư cảm xúc, hư năng lực cảm thụ âm nhạc cho các cháu. Đây là thiếu sót trầm trọng trong ngành giáo dục - đào tạo, trong đó có giáo dục âm nhạc, nhất là với các cháu thiếu nhi, nhi đồng. Cần phải coi lại nền tảng giáo dục này, cách thức giáo dục này, hoặc làm hư, méo mó, hoặc xem thường, không bồi bổ tâm hồn, làm hạn chế trí tưởng tượng, hạn chế cảm xúc của các em. Theo tôi, phải dạy nhạc cụ thật trong nhà trường để các em có sự hình dung, cảm nhận cụ thể. Nghệ thuật là một trong những ông thầy dạy cho tâm hồn con người và tiếng đàn sẽ giúp khơi nguồn cảm xúc, khơi nguồn trí tưởng tượng”.
Với thực tế còn quá nhiều điều trăn trở, lo lắng về vấn đề giáo dục nghệ thuật trong học đường, những tồn tại và thiếu sót đã thấy rất rõ như thế, nhất thiết các cơ quan, ban ngành liên quan phải có sự nhìn nhận, bàn thảo, xem xét, nhanh chóng có những giải pháp thiết thực nhằm làm thay đổi tích cực trong công tác đào tạo giáo dục nghệ thuật trong học đường hiện nay.
| |
Thúy Bình