Giao lưu, gặp gỡ nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018), sáng 26-1, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ các nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tham gia trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Trong suốt buổi giao lưu, gặp gỡ, nhiều câu chuyện cảm động được kể bởi các nhân chứng lịch sử như Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm, bà Đặng Thị Thiệp, bà Phan Thị Thúy, bà Đoàn Thị Nhỏ, bà Vũ Minh Nghĩa, bà Diệp Tú Anh…

Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với tinh thần mưu trí, sự sáng tạo, tính cần cù đã lập nên những kỳ tích chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Từ việc tham gia tích cực trong lực lượng đấu tranh, phối hợp với các đơn vị vũ trang cho đến việc may cờ, vận chuyển, thậm chí là cất giấu vũ khí phục vụ chiến đấu, những người phụ nữ này vẫn dũng cảm đảm nhận nhiệm vụ, cống hiến với đức hy sinh phi thường.

Giao lưu, gặp gỡ nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ảnh 1 Bà Đặng Thị Thiệp (ở giữa) đang kể về những cơ sở mật, cất giấu vũ khí, tài liệu. Ảnh: MINH DIỄM 
Kể về những cơ sở mật, cất giấu vũ khí, tài liệu và cán bộ nội tuyến trong lòng địch, bà Đặng Thị Thiệp bồi hồi nhớ lại việc đóng vai “vợ bé” để cùng chồng (là ông Trần Văn Lai) có thể mua và xây dựng những cơ sở bí mật nhằm mục đích vận chuyển, trông coi kho vũ khí chuẩn bị chiến đấu. Và nay, căn nhà 287/70 ( trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) trong số những cơ sở bí mật lúc đó đã trở thành Di tích  Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Cũng nhớ lại việc trông coi hầm vũ khí, bà Phan Thị Thúy không khỏi xúc động khi nhắc đến nhiệm vụ này gắn liền với căn nhà số 99/1C Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sỹ) do chính người cha của bà là ông Phan Văn Bảy xây dựng. Cả gia đình bà trừ người chị đầu tập kết ra Bắc thì bà và 3 người chị em còn lại đều tham gia lực lượng biệt động. Sau Mậu Thân 1968, hầm bị địch phát hiện, cha bà bị bắt và hy sinh, còn bà bị đưa đi các nhà tù Tân Hiệp, Thủ Đức, Côn Đảo…

Khi nhắc đến những cán bộ giao liên dẫn đường, trinh sát, bà Đoàn Thị Nhỏ, nguyên Ủy viên BCH Hội Phụ nữ Giải phóng Củ Chi lại nhớ đến những ngày ôm đứa con mới 2 tuổi trên tay làm nhiệm vụ dẫn đường vô cùng nguy hiểm, khó khăn. Bà không thể nào quên lộ trình đưa quân từ Tây Ninh về Sài Gòn đầy bất trắc. Bởi để hoàn thành nhiệm vụ, bà đã phải nghĩ ra cách đưa các chiến sĩ vào rạp hát, một số đánh “bầu cua cá cọp”, lẫn vào đám đông. Còn bà, một mình ôm con đi tìm cơ sở mật trong tình cảnh lửa đốt khi đúng lúc đó không tìm thấy địa chỉ, đứa con khát sữa, khóc thét.

Còn đối với Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm, khi nhắc đến chiến dịch Mậu Thân 1968, bà lại nhớ những năm tháng làm đủ việc từ ở đợ, bán cà rem, bán rau... chỉ để nắm tình hình, thông thuộc đường phố Sài Gòn. Bà chia sẻ về tình cảm của mọi người đã dành để che chở cho bà dù biết bà hoạt động cách mạng, thậm chí có những người chọn cái chết để bà được sống.

50 năm đã trôi qua, bà Vũ Minh Nghĩa – một trong những nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vẫn không thể tin được những đồng đội của mình đã ngã xuống. Nhắc đến, bà lại xúc động vì là nữ chiến đấu viên duy nhất trong đội 15 chiến sĩ được giao nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập. Bà nhớ mãi trong lúc bị thương nặng, bà vẫn tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu trong suốt 2 ngày giữa vòng vây dày đặc bom pháo với số vũ khí ít ỏi.

Giao lưu, gặp gỡ nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ảnh 2   Quang cảnh giao lưu, gặp gỡ nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ảnh:  MINH DIỄM 
Còn đối với bà Diệp Tú Anh - một nữ biệt động gốc Hoa, chiến dịch Mậu Thân 1968 là một quá trình chuẩn bị trong thời gian dài. Bà bồi hồi kể về nhiệm vụ được phân công giấu và vận chuyển vũ khí, đặt chất nổ,… Có lúc, bà còn phải ngụy trang bán sinh tố, mang đầu tóc giả. Thậm chí đã có lúc bị bắt, chịu đựng những đòn tra tấn dã man nhưng bà vẫn kiên cường chiến đấu.

Từ những câu chuyện cảm động trên đã gợi nhớ về truyền thống hào hùng của những ngày lịch sử oanh liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói chung và tinh thần đấu tranh của lực lượng nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng, góp phần làm nên "16 chữ vàng" do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng: “Đoàn kết một lòng- Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”. 

Tin cùng chuyên mục