Giáo sư Nguyễn Chung Tú - Một nhà khoa học, một người thầy lỗi lạc

Tôi được biết Giáo sư (GS) Nguyễn Chung Tú qua bài học đầu tiên về gương phẳng. Với thí nghiệm một tấm kính trong suốt ở giữa, 2 cây nến ở hai bên, đối xứng, nhưng một cây được thắp, một cây không. Khi GS quay cây nến thắp sáng ra trước, nhìn trong kính, thấy cây kia cũng được thắp sáng. Chỉ trong một thoáng, sự đối xứng giữa ảnh ảo và vật thật đã được cảm nhận một cách nhanh chóng. Mặc dù trước đó tôi đã được học về gương phẳng từ lớp Đệ Tứ (lớp 9) và lớp Đệ Nhị (lớp 11), nhưng bài học này ở năm đầu đại học vẫn là bài học tôi ghi nhớ sâu đậm mãi đến nay, bởi tính cách thực nghiệm, bởi sự giản dị, và bởi phương pháp sư phạm của GS.
Giáo sư Nguyễn Chung Tú - Một nhà khoa học, một người thầy lỗi lạc

Tôi được biết Giáo sư (GS) Nguyễn Chung Tú qua bài học đầu tiên về gương phẳng. Với thí nghiệm một tấm kính trong suốt ở giữa, 2 cây nến ở hai bên, đối xứng, nhưng một cây được thắp, một cây không. Khi GS quay cây nến thắp sáng ra trước, nhìn trong kính, thấy cây kia cũng được thắp sáng. Chỉ trong một thoáng, sự đối xứng giữa ảnh ảo và vật thật đã được cảm nhận một cách nhanh chóng. Mặc dù trước đó tôi đã được học về gương phẳng từ lớp Đệ Tứ (lớp 9) và lớp Đệ Nhị (lớp 11), nhưng bài học này ở năm đầu đại học vẫn là bài học tôi ghi nhớ sâu đậm mãi đến nay, bởi tính cách thực nghiệm, bởi sự giản dị, và bởi phương pháp sư phạm của GS.

Giáo sư Nguyễn Chung Tú

Giáo sư Nguyễn Chung Tú

Vài nét về tiểu sử

GS Nguyễn Chung Tú sinh tại Hà Nội ngày 31-8-1922, năm nay được 92 tuổi. Xuất thân trong một gia đình có nhiều nhà giáo (thân phụ, chú ruột và chị cả), sự nghiệp của GS gắn liền với Đại học Khoa học Sài Gòn. Thân phụ mất sớm, khi mới 10 tuổi, nhưng ông rất hiếu học. Ông là học sinh Trường Bưởi (sau này là Trường Chu Văn An), năm 1942 đậu Tú Tài Toán với phần thưởng danh dự toàn trường và năm 1946, tốt nghiệp Cử nhân Toán Lý Hóa Đại học Khoa học Hà Nội. GS giảng dạy ngay sau đó và bắt đầu công việc nghiên cứu, với công trình đầu tiên là Tiểu luận Cao học về Kết tinh picrat alcaloid bảo vệ năm 1954 tại Hà Nội.

Với các chứng chỉ đệ tam cấp Quang phổ thực nghiệm và Hóa học lượng tử tại Đại học Sài Gòn và Vật lý hạt nhân ở Nguyên tử lực cuộc Saclay (Paris Sud), năm 1960 GS đã đệ trình luận án về Hiện tượng phát huỳnh quang của CdI2(Pb) tại Đại học Rennes (Pháp) và được chấm đậu Tiến sĩ Quốc gia Vật lý, hạng tối danh dự với lời khen của ban giám khảo.

Hồi hương phục vụ đất nước từ năm 1960, ngoài công việc giảng dạy về Vật lý, GS đã đảm nhận các chức vụ Trưởng ban (khoa) Vật lý, và Khoa trưởng (Hiệu trưởng) Đại học Khoa học Sài Gòn (1965 - 1973). GS cũng là Trưởng ban Vật lý trong Ủy ban Soạn thảo Danh từ khoa học. GS cũng đã tích cực góp phần thiết lập ra học vị Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Saigon (ĐHKHSG). GS đã cho xuất bản nhiều tác phẩm và đăng nhiều bài báo trong các tạp chí chuyên môn cũng như phổ thông.

Nhà khoa học có tầm nhìn xa

Tôi được thụ giáo với GS Nguyễn Chung Tú từ niên khóa 1960 - 1961, khi GS mới hồi hương, sau khi trình luận án tiến sĩ quốc gia ở Pháp về. Là nhà khoa học có tầm nhìn xa, ngay những năm 1960 đã muốn đem chuyên môn của mình về đề tài phát huỳnh quang để nghiên cứu về sinh huỳnh quang của một số sinh vật hải sản. Đề tài này, sinh huỳnh quang, chỉ 20 năm sau, vào thập niên 1980, trào lưu thế giớ mới ồ ạt đề cập đến.

Ngày nay, ta biết các protein phát huỳnh quang màu lục (GFP: green fluorescent protein) đang được dùng để đánh dấu báo hiệu lộ trình trong việc chuyển vận gien vào trong tế bào, gọi là reporter gene. Và điều rất thú vị là người đã tìm ra GFP đầu tiên này là GS người Nhật Osamu Shimomura, được giải Nobel năm 2008, đã phát kiến trên con sứa vào năm 1965, nhưng trong những điều kiện của một phòng thí nghiệm tại Mỹ.

Tôi cũng còn nhớ khi mới được tuyển vào ban Vật lý làm giảng nghiệm viên, đã được GS cho đề tài nghiên cứu bằng giao thoa ánh sáng trên các phim mỏng tạo nên do nhỏ những giọt dầu lan ra trên mặt nước. Trong những điều kiện khó khăn của ĐHKHSG lúc đó, tôi cũng thực hiện được một số thí nghiệm rồi phải khoanh tay. Nhưng mãi 20 năm sau này, khi ở ĐH Paris, tôi chuyển hướng nghiên cứu sang vật lý sinh học, mới thấy là những liposome  đầu tiên chế tạo do nhà sinh học Bangham thực hiện vào năm 1965, dựa trên những những hiểu biết về màng mỡ mỏng đơn phân tử lan trên mặt nước…

Nhớ lại những chuyện này, tuy không làm được ở Sài Gòn trước đó, đã càng làm tôi cảm thấy khâm phục tầm nhìn của GS, mặc dù có hơi... quá xa trước thời đại, nhưng là một tầm nhìn xa rộng. Thật thế, nếu thế kỷ 20 được coi là thế kỷ của những phát minh vật lý thì nhiều dấu hiệu cho thấy thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ về sinh học. Ngay từ những năm 1965, GS đã tham gia dạy các chứng chỉ Sinh lý Sinh hóa (với GS Mai Trần Ngọc Tiếng) và cộng tác cả với bên y khoa.

Tuy đã hồi hương, GS vẫn tiép xúc với thế giới bên ngoài. Vẫn giữ mối liên hệ với các nhà khoa học trên thế giới như Alfred Kastler (Nobel 1965), Maurice Françon… Và tuy trong hoàn cảnh giới hạn, ông vẫn theo dõi, đăng báo và xuất bản các nghiên cứu khoa học. Những quyển Năng lượng mặt trời in năm 1980, Những mũi nhọn trong Quang học hiện đại, in năm 1996, là những thí dụ.

Một người thầy tận tụy

Bên cạnh nghiên cứu khoa học, việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức của GS rất được sinh viên yêu thích. Các giáo trình Quang học đã được sửa soạn và viết rất kỹ lưỡng. Dạy điều nào, chắc điều đó, đúng như câu “tri vi tri”, rất là thanh liêm trí thức. Cách dạy cũng rất có sư phạm, dễ hiểu, nhưng luôn luôn chú trọng đến thực nghiệm trước trước lý thuyết. Các sinh viên Toán học sang học Vật lý đại cương đã được mở mang nhiều kiến thức. GS cũng rất chú tâm đến các vấn đề giáo dục trung học, đào luyện học sinh trước khi lên đại học. Ông cũng tham gia Hội đồng Cải tổ Chương trình Giáo dục, đóng góp nhiều trong việc dịch các công trình nước ngoài thành tài tiệu tham khảo quý tại trường đại học.

GS đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên. Các học trò cũ, nhiều người sau đã trở thành đồng nghiệp, nhưng vẫn tưởng nhớ công ơn thầy. Bốn quyển Giao thoa, Nhiễu xạ, Phân cực và Phổ học, GS viết rất ưng ý. Ít lâu trước khi vào bệnh viện ngày 25-8, GS còn giao cho anh Nguyễn Tấn Đức, con trai thứ và cũng là GS về vật lý đóng thành trọn bộ để tặng nếu có ai đến thăm vào ngày sinh nhật thứ 91 năm nay.

Tiếc thay, cũng ngày này năm ngoái một số cựu đồng nghiệp và sinh viên hân hoan sửa soạn đón mừng lễ thượng thọ 90 tuổi, thì năm nay được tin GS đã phải vào bệnh viện trong tình trạng không mấy khả quan.

Và hôm nay, GS đã ra đi, trong niềm thương kính vô hạn của nhiều cựu sinh viên và đồng sự.

CAO XUÂN AN (*)
Paris, 12-1-2014


(*) Giáo sư Cao Xuân An là giáo sư uy tín của nước Pháp, giảng dạy tại Đại học Paris 13. Giáo sư có nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị, đóng góp cho nền khoa học thế giới.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chung Tú qua đời

(SGGP).- Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Chung Tú đã qua đời lúc 10 giờ 30 phút  ngày 12-1, tại Bệnh viện Nhân dân 115 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi.

GS Nguyễn Chung Tú sinh năm 1922 tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình truyền thống nhà giáo. Năm 1946, ông tốt nghiệp Cử nhân Toán Lý Hóa Đại học Khoa học Hà Nội. Năm 1960, ông lấy học vị Tiến sĩ Quốc gia Vật lý với luận án về “Hiện tượng phát huỳnh quang của CdI2(Pb)” tại Đại học Rennes (Pháp) hạng tối danh dự. Trở về nước, GS Nguyễn Chung Tú đã đóng góp nhiều công sức xây dựng Khoa vật lý thuộc Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM).

Ông từng giữ nhiều trọng trách như: Trưởng khoa, Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Sài Gòn; đồng thời là Trưởng ban Vật lý trong Ủy ban Soạn thảo Danh từ khoa học. Năm 1994, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2008 ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Linh cữu GS Nguyễn Chung Tú được quàng tại Nhà tang lễ TP (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ nhập quan lúc 15 giờ ngày 12-1. Lễ động quan lúc 6 giờ 30 phút ngày 15-1. Sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục