Tôi muốn nói một câu, không phải là suy nghĩ tính toán nhằm một mục đích gì, mà là tự nhiên hiện ra trong óc tôi: Anh Sáu – xin được dùng cách xưng hô thân mật như đã quen dùng từ một nửa thế kỷ qua – Anh Sáu đã ra đi, không biết đây là kết thúc hay mở ra cuộc đời của một giai thoại và huyền thoại? Làm sao không suy nghĩ có sự gì linh thiêng về một cuộc đời 100 tuổi thọ, lại chọn đúng sau dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ra đi.
1. Tôi còn nhớ hồi mới là học sinh trung học, tôi đã đọc trên báo ở Nam kỳ về vụ sinh viên Việt Nam Trần Văn Giàu bị đuổi học ở Pháp và trục xuất về nước. Hiệu trưởng gọi anh lên phòng làm việc hỏi: “Tại sao nhà nước cấp học bổng cho anh ăn học, anh không chuyên tâm học, cứ bỏ học đi chơi?”. Anh trả lời: “Vì tôi có một con miềng (tiếng lóng nghĩa là người tình!)”. Ai cũng hiểu: Con “miềng” ấy là Đảng Cộng sản! Bọn học sinh trung học trẻ chúng tôi khâm phục thái độ hiên ngang và cách nói dí dỏm ấy.
Lần đầu tiên tôi được thấy con người thần tượng của lớp thanh niên học sinh chúng tôi là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hồi ấy bọn Việt quốc, Việt cách đang gây rối dư luận, đả phá Chính phủ cách mạng lâm thời. Xin nhắc lại là hồi ấy tự do diễn đàn, tự do báo chí được mở rộng. Tôi nhớ ở Hà Nội có tới trên 30 tờ báo ngày, báo tuần, báo tháng được lưu hành, dư luận rất phân tán. Việt Nam Quốc dân đảng từ hải ngoại về cũng có cơ quan ngôn luận của họ là tờ Việt Nam.
Nhà hoạt động chính trị Trần Văn Giàu vốn nổi tiếng là một nhà hùng biện, người ta hay mời ông đăng đàn bình luận về thời cuộc. Quả nhiên những buổi diễn thuyết của Trần Văn Giàu có ảnh hưởng rất lớn. Diễn giả phê bình nghiêm khắc những kẻ giả danh cách mạng, ngáng chặn bánh xe lịch sử dân tộc.
Dĩ nhiên, mọi người đều hiểu là diễn giả công kích bọn quốc dân đảng phản động. Bọn này in trên báo Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Việt Nam quốc dân đảng) lời đe dọa: Nếu Trần Văn Giàu tối nay nói nữa, sẽ cho nổ bom.
Tối hôm ấy, Trần Văn Giàu vẫn đến nói ở hội trường Nhà hát Thành phố. Khi kết thúc, khán giả ra về, Việt Nam quốc dân đảng cho nổ bom chiếc xe ô tô đưa rước diễn giả Trần Văn Giàu. Nhưng thật may mắn, lúc ấy ông được các khán giả hâm mộ giữ lại xin chữ ký nên chưa ra xe.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tôi vào dạy học ở Đại học Khoa học xã hội Sài Gòn, tham gia Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM, Chủ tịch là anh Sáu Giàu, tôi có dịp thân quen và hiểu rõ anh Sáu hơn. Gần như tôi phát hiện một chân dung mới về ông mà tôi chưa biết! Làm việc dưới quyền anh Sáu Giàu, chúng tôi phải tuân thủ một nếp kỷ luật chặt chẽ. Anh Sáu nói: “Sinh viên học, thầy cũng phải học cho họ theo gương”.
Mỗi người chúng tôi đều có một bàn làm việc trong một phòng rộng và ngồi làm việc suốt 8 tiếng. Anh Sáu Giàu cũng ngồi một bàn trong phòng và cũng làm việc 8 tiếng như chúng tôi.
Trước nay tôi chưa thấy những trang viết của anh Sáu Giàu. Bây giờ tôi thấy từ những trang bản thảo đưa nhà in cho đến mấy câu nhắn tin riêng, anh đều viết cẩn thận lối chữ như chữ công chức thời Pháp thuộc. Chúng tôi viết bài đưa anh duyệt, hơn một lần bị anh phê bình, bắt viết lại, do đó chúng tôi thành nếp quen viết bản thảo cẩn thận.
2. Có hai chuyện làm tôi cảm động và tôi hiểu anh Sáu cũng như những người cách mạng: họ là những người giàu tình cảm nhưng không phải hời hợt, lúc nào cũng phô bày ra ngoài.
Một lần, anh nói: Kiếm cho tôi hai tấm vé xem cải lương, chị Sáu đã lâu không được xem cải lương Sài Gòn. Nhưng chớ có nói là tôi vô trong này, bạn bè, họ hàng kéo đến thăm hỏi có thể xảy ra những sự cố không hay.
Tôi nói với một người quen kiếm cho hai tấm vé xem hát. Người ấy mừng rú lên: “Chú Sáu có ở Sài Gòn, tôi muốn mời chú đến nhà ăn cơm rồi đi xem hát luôn”.
Anh chị Sáu đến, chủ nhà mừng muốn khóc. Đang ăn cơm, tôi nói: Anh Sáu ạ, nhà này có một người trước cùng hoạt động và cùng ở tù với anh…
Anh Sáu nói: Đến nhà này, tôi nhớ ra rồi. Đâu, chú ấy đâu.
- Đó, người lúc anh chị bước vô nhà, chào anh chị rồi đi ra đường, người ấy đấy!
Anh Sáu Giàu ngẩn ra, tôi trông thấy đôi mắt của anh có nước mắt. Một lát sau anh nói: “Chú ấy làm liên lạc cho tôi và bị bắt vào tù cùng với tôi, mấy chục năm qua rồi tôi không có dịp gặp chú ấy”.
Câu chuyện thứ hai liên quan đến tôi. Vào dạy với tư cách giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm ấy ngày tết dân tộc, tôi ở lại không về Hà Nội ăn tết với gia đình vì… không có tiền. Tôi dặn ông bảo vệ nhà khách: “Có sinh viên đến thăm thì nói các thầy về Hà Nội ăn tết. Tôi không muốn họ mời mọc đi chơi mà nằm ở phòng trọ soạn bài, đọc sách”.
Nhưng ngày mùng 1 Tết, anh Sáu Giàu đến. Ông bảo vệ thấy Giáo sư Trần Văn Giàu, không dám nói dối, để anh Sáu vào.
Anh đứng dưới sân nhìn lên cửa sổ phòng tôi gọi: “Mai! Mặc quần áo xuống đây!”. Tôi xuống, anh Sáu cặp nách tôi đi ra ngoài vừa đi vừa nói: “Năm trước chị Sáu ở trong này, tôi ăn tết độc thân ở Hà Nội, anh sợ tôi buồn đã lại ăn tết với tôi. Năm nay, anh ăn tết độc thân ở Sài Gòn xa gia đình, cũng buồn nhớ vợ con, lại nhà tôi ăn tết với gia đình tức là với tôi, với chị Sáu cho vui”.
Tôi cảm động quá suýt rơi nước mắt. Người chiến sĩ cộng sản lừng danh quốc tế vẫn ân cần nhớ đến ngày tết dân tộc, sum họp gia đình như thế.
Bây giờ anh Sáu Giàu, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, người cộng sản quốc tế… đã đi xa. Sinh thời người ta đã nói nhiều về anh, lúc này, sau này người ta còn nói nhiều về anh nữa.
Tôi chỉ nói một câu: Cuộc đời của anh Sáu rất đẹp, những việc anh đã làm, người ta còn nhắc lại mãi, sách báo anh viết hậu thế còn đọc mãi. Các thế hệ sinh viên của anh còn tiếp tục công việc anh làm. Anh có thể yên nghỉ giấc ngủ của người tròn bổn phận với dân, với nước, với bạn bè, sinh viên, với đời sau
GS HOÀNG NHƯ MAI