Giao thừa... xa nhà

Đã phải thầm nhủ rất nhiều lần rằng không được khóc, phải cứng cỏi khi nói chuyện với bố mẹ trong đêm giao thừa. Vậy mà... webcam bật lên, vừa thấy bố mẹ và chị, nước mắt cứ thế thi nhau lã chã rơi. Chẳng kiềm chế nổi nữa, tôi cứ thế nghẹn ngào qua microphone mà rằng: “Con nhớ nhà quá bố mẹ ơi”.

Chưa bao giờ tôi phải trải qua cảm giác tủi thân, cô đơn đến thế. Giao thừa đầu tiên xa nhà, chỉ vùi mình trong chăn và khóc. Tôi sang Mỹ du học từ hồi tháng

8-2011. Tính đến tết, đã hơn 5 tháng phải xa Việt Nam. Tôi được nhận học bổng của Đại học Green Mountain ở Vermont, đào tạo chuyên ngành PR trong 4 năm. Tôi sung sướng vô cùng khi được theo đuổi niềm đam mê của mình. Ngày đi, tôi nói với bố mẹ rằng: bố mẹ cứ yên tâm, con đã có thể tự chăm sóc cho bản thân mình.

Tôi bắt nhịp khá nhanh với việc học tập ở môi trường mới do hồi còn ở Việt Nam, tôi đã làm việc bán thời gian cho Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Đi học cùng với làm thêm tại trường khiến tôi bận rộn nhưng giúp tôi ít nhiều vơi đi cảm giác nhớ nhà. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, gọi điện về nhà thấy bố mẹ nói đang chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo, tôi bắt đầu thấy nao lòng.

Trước kia mẹ và hai chị em tôi luôn tất bật chuẩn bị sắm sửa cho tết. Sau khi chị tôi đi lấy chồng, mẹ và tôi là những người chuẩn bị chính. Bố đi làm bận rộn, mua được cây quất hay cây đào về trong dịp tết đã là quá sức. Chuyện chuẩn bị tết vì vậy trở thành một thói quen với tôi. Nhưng năm nay, thói quen đó không còn nữa. Tôi hụt hẫng thật sự. Ở bên này mà tôi không lúc nào nguôi hướng về Việt Nam, thương mẹ vất vả một mình lo toan; mẹ có mệt, có ốm hay không?...

So với nhiều trường khác ở Mỹ, sinh viên Việt Nam theo học tại Green Mountain rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi chơi với một nhóm sinh viên Việt Nam 7 người: 4 nữ, 3 nam. Mới quen biết nhau được ít tháng, hơn nữa mỗi người mỗi tính cách, nên để có một người chia sẻ buồn vui thật sự không dễ dàng. Các anh, chị đều là sinh viên khóa trên nên ít nhất đã phải ăn tết nơi đất khách 1 năm. Biết tôi xa nhà năm đầu sẽ rất buồn, ai cũng động viên, an ủi nên phần nào tôi cũng thấy ấm lòng. Ký túc xá quy định không được nấu nướng, tổ chức party trong phòng.

Tuy nhiên, tối 29 Tết (theo giờ Mỹ), các anh chị vẫn quyết định sang phòng tôi mở một party chui với đồ ăn nhẹ là khoai tây chiên, socola và ít nước trái cây. Đón tết xa nhà với bữa tiệc tất niên đặc biệt, tất cả đều không thể cầm nổi nước mắt khi cùng nhau nói chuyện về mâm cơm tất niên truyền thống ở quê nhà. Đúng là đi xa mới thấy “quê hương mỗi người chỉ một”, mới thấy ấm áp hai tiếng “gia đình”.

Những ngày đầu xuân này tôi nhận được tin vui. Các môn học trong học kỳ đầu tiên tại Green Mountain của tôi đều đạt điểm A. Gửi bảng điểm về nhà, bố mẹ tôi mừng rơn. Theo quy định của trường, nếu tốt nghiệp loại giỏi, các sinh viên có thể tiếp tục được nhận học bổng đào tạo thạc sĩ của trường.

Tuy mới là bước khởi đầu, nhưng kết quả trên đã khích lệ, động viên tôi rất nhiều. Đó sẽ là động lực giúp tôi học tập tốt, theo đuổi đam mê, bù đắp lại những tháng ngày phải xa gia đình, nhớ quê quay quắt!

HỒNG TRANG (từ Mỹ)

Tin cùng chuyên mục