Cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) bên bờ biển Đông một buổi sáng tháng 6-2011 tấp nập tàu thuyền và thương nhân mua bán hải sản. Những chiếc thuyền đầy ấp cá, những tư thương trên bờ bắt đầu ra giá. Các thuyền bè đánh bắt cá trên biển Đông có gốc gác tại nhiều ngôi làng khác nhau ở Quảng Bình và các tỉnh bạn. Những năm 1990 làng biển nghèo lắm. Nhưng nay, nhiều làng đã giàu nhờ bám biển.
- Đổi đời nhờ biển
Làng 19-5 (Quảng Đông, Quảng Trạch) tự hào lấy ngày sinh Bác Hồ đặt tên làng của 700 nhân khẩu. Ngôi làng nằm dưới rặng núi Hoành Sơn có đèo Ngang án ngữ. Làng lập ra vào năm 1960 với vùng biển rộng lớn trước mặt. Làng sống trên bãi ngang, không đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ, chỉ làm nghề lộng nhưng cũng mang lại cho nhiều hộ dân nơi đây thu nhập tiền triệu mỗi ngày thả lưới, giăng câu.
Chị Nguyễn Thị Lương nói: “Cả làng tuy làm nghề lộng, đánh bắt gần bờ thôi, nhưng mỗi ngày mỗi khá, bởi vịnh Hòn La nhiều tôm cá, có nhiều đặc sản giá trị cao. Hết mùa đánh bắt, lại có nghề lặn rong biển, cũng có thu nhập mỗi chuyến hơn 1 triệu đồng”.
Nghề lộng đưa lại cho ngôi làng này không dưới 10 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Với họ, biển trước mặt làng là gia tài quý báu của ông cha để lại muôn đời cần giữ gìn cho hậu thế.
- Ngư Thủy cường tráng
Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) trước đây là một xã, nay chia thành 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam. Người dân bao đời sống trên cát để giữ biển và giữ đất làng.
Từng một thời nhiều người nghĩ Ngư Thủy không thể phát triển vì không tấc đất làm ruộng. Nhưng nay Ngư Thủy thật sự lột xác với đường sá bê tông xuyên cát, nối thông làng xóm. Gặp lại tôi, nữ pháo binh Trần Thị Phường nói: “Ngư Thủy sống khỏe rồi. Biển đưa lại cơm trắng không độn khoai, biển thay thế nhà cỏ rười thành nhà xây, biển cho con cái đi học đại học”. Không chỉ chị Phường lạc quan, những ai ở mảnh đất cát bỏng này cũng đều lạc quan, bởi họ thoát nghèo, đang từng bước làm giàu từ biển. Đảng bộ và nhân dân 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam đều xác định kinh tế mũi nhọn từ biển. 70% cuộc sống người dân gắn chặt với biển, 20% buôn bán cá và làm các công việc hậu cần từ nghề cá, 10% còn lại đi làm ăn xa và các nghề khác.
Trưa đứng bóng, bên bờ biển làng, những phụ nữ xóm ngoài của làng Liêu Nam (Ngư Thủy Nam) đang gánh cá nặng trĩu vai. Hỏi gánh từ lúc nào, một người nói: “Gần 4 giờ sáng tới chừ”. Năm nào Liêu Nam cũng trúng đậm mùa cá như các làng khác của 3 xã Ngư Thủy. Bà Nguyễn Thị Hẹn đang hốt cá nói: “Ngư Thủy bây chừ khác rồi, trước đây thấy biển chẳng biết mần ăn, chừ sắm thuyền máy, chạy cả đêm cả ngày rồi về cũng được mấy tấn, gánh tới chiều mới hết cá”.
- Đội thuyền hùng hậu xa bờ
Cảnh Dương (Quảng Trạch) ngày xưa là một làng biển nhỏ, nghèo lắm. 20 năm trước, tìm mãi ở làng biển này không có chiếc thuyền máy, nay có hơn 400 thuyền đánh bắt xa bờ, đã đưa Cảnh Dương trở thành ngôi làng giàu nhất nhì khu vực Bắc miền Trung nhờ bám biển. Ông Đồng Thanh Đắng, Chủ tịch Hội Ngư dân xã, cho biết: “Cảnh Dương hoàn toàn dựa vào biển để phát triển. Nay đã có tổng thu nhập gần 100 tỷ đồng từ biển. Sang năm chắc chắn vượt”. Ông Đắng tin thế bởi Cảnh Dương của ông có nhiều chủ thuyền đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Và Cảnh Dương cũng có nhiều doanh nghiệp do ngư dân làm chủ, mỗi doanh nghiệp như thế đóng đến cả chục chiếc thuyền bám biển làm giàu.
Ông Lê Văn Thục, Chủ tịch xã Đức Trạch (Bố Trạch), khoát tay: “Đức Trạch có đội thuyền hùng hậu nhất tỉnh, đến hơn 500 chiếc đánh bắt xa bờ, mỗi năm khai thác hơn 10.000 tấn hải sản”.
Quảng Bình hiện có 183 tổ đội đoàn kết với 1.113 tàu đánh bắt xa bờ tham gia để vừa giữ biển vừa khai thác.
MINH PHONG