Giàu - nghèo sách thiếu nhi Việt

Mỗi năm đến hè là mọi người lại nhắc đến việc hè này thiếu nhi đọc gì. Và rồi lại thêm một lần nữa với những ai quan tâm trăn trở đến mảng sách này là những tiếng thở dài.

Mỗi năm đến hè là mọi người lại nhắc đến việc hè này thiếu nhi đọc gì. Và rồi lại thêm một lần nữa với những ai quan tâm trăn trở đến mảng sách này là những tiếng thở dài.

Mảng sách thiếu nhi nhiều năm gần đây luôn được đánh giá là mảng sách có sức phát triển mạnh mẽ và ổn định nhất. Báo cáo xuất bản của các đơn vị xuất bản, phát hành lớn nhất nước cho thấy năm 2015, các mảng sách lịch sử, văn học có sự trồi sụt khác nhau thì sách thiếu nhi vẫn ung dung dẫn đầu của về số lượng lẫn doanh thu và dĩ nhiên, cả lợi nhuận. 5 tháng đầu năm 2016, tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng các nhà làm sách, phát hành vẫn khẳng định, sách thiếu nhi vẫn chiếm ưu thế áp đảo và tình hình này được dự báo sẽ khó lòng có sự thay đổi trong vài năm tiếp theo.

Thế nhưng, chính ở đây lại có một mâu thuẫn với cả nhiều người làm sách và thị trường xuất bản trong nước hiện nay. Sách thiếu nhi bán chạy, người kinh doanh sách thiếu nhi làm giàu nhưng sách thiếu nhi Việt ngày càng èo uột, tác giả sáng tác cho thiếu nhi trong nước ngày càng vắng, ngày càng nghèo theo đúng cả nghĩa đen khi tác phẩm viết ra không ai in, không ai xuất bản. Sách thiếu nhi hiện là mảnh đất tung hoành của các tác phẩm nước ngoài.

Có vô vàn lý do được nêu ra, từ việc tác giả viết thiếu hấp dẫn, tác phẩm cũ kỹ cả về ý tưởng lẫn cách thể hiện, rồi sách trong nước thiếu sự nổi tiếng (trừ một số tác giả đã quá quen thuộc), tốn chi phí quá cao để xuất bản… Thế nhưng, những lý do trên đều thiếu sức thuyết phục khi vẫn còn đó hàng loạt tác phẩm mới đầy ấn tượng của các cây bút trẻ, những tác phẩm độc đáo mới lạ từ ý tưởng đến thể hiện, nhờ mạng xã hội, nhiều tác phẩm đã có tiếng vang lớn trong bạn đọc cả nước và thậm chí có nhiều tác phẩm đã được xuất bản bằng tiền “quyên góp” (hình thức gây quỹ cộng đồng)… Thực tế, lý do chính vẫn là mức lợi nhuận của sách dịch mang lại. Bản thảo trong nước đòi hỏi phải có sự đầu tư từ đầu, từ chỉnh sửa, bổ sung, tìm họa sĩ thể hiện… tốn kém mà việc thu hồi vốn lại khá mong manh do không thể lường trước sức quan tâm của bạn đọc. Trong khi đó, sách dịch như bữa ăn dọn sẵn, chỉ cần chuyển ngữ, biên tập là có thể xuất bản, chi phí bỏ ra ít mà lợi nhuận dễ hơn do sách được chọn xuất bản thường đã nổi tiếng sẵn. Bỏ ra ít, thu về nhiều, chẳng lạ khi nhiều người lại mặn nồng đến thế với sách thiếu nhi dịch mà quên bẵng sách trong nước.

Thực ra, nói một cách thẳng thắn, những tác phẩm ngoại không xấu, nhiều trong số đó là tác phẩm hay, giàu ý nghĩa, có giá trị với bạn đọc nhỏ tuổi. Thế nhưng dù sao đó vẫn là văn hóa khác, xã hội khác và thậm chí là cả vấn đề thời sự khác. Hãy thử tưởng tượng ở Việt Nam mà trẻ em lại đọc những bài học về việc đối phó với tuyết, với băng vào mùa đông chẳng hạn. Trong khi đó, những vấn đề sát với thiếu nhi Việt lại chẳng có, ví như chuyện chết đuối ở ao hồ. Năm nào cũng có những câu chuyện đau lòng như vậy nhưng trừ vài cuốn sách kỹ năng đoàn đội ra hầu như chẳng còn cuốn nào đề cập đến việc này. Lý do đơn giản là ở các nước chúng ta nhập sách, đó không phải là vấn đề thời sự mà người làm sách bên họ quan tâm dạy cho trẻ em. Năm nay, trong chiến dịch Sách Việt cho trẻ em Việt, NXB Trẻ nỗ lực đưa vào cuốn sách Phòng và cấp cứu đuối nước, thực ra nó vẫn không hẳn là một cuốn sách dành riêng cho bạn đọc nhỏ tuổi mà là tác phẩm hướng nhiều đến phụ huynh hơn, thế nhưng chỉ như vậy nó đã nhận được sự chú ý mạnh mẽ của bạn đọc.

Viết sách cho thiếu nhi không phải chuyện dễ nhưng nếu không làm thì trẻ em Việt sẽ tiếp tục lớn lên với những cuốn sách ngoại, dạy những câu chuyện ngoại, lo những vấn đề ngoại. Biết là vậy nhưng giải pháp gì lại không phải chuyện đơn giản. NXB Kim Đồng bao nhiêu năm chật vật dùng lợi nhuận thu từ sách dịch để làm sách nội, NXB Trẻ “lăn qua lộn lại” bày đủ việc để làm sách Việt mà mới nhất là phát động Người Việt viết sách cho trẻ em Việt nhưng cũng đầy khó khăn khi gánh nặng kinh doanh vẫn còn đó.

Đã lâu lắm rồi chúng ta không có các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi, không có những quỹ đầu tư dành cho sách thiếu nhi và cũng chẳng có mấy hoạt động nào tôn vinh người viết sách cho thiếu nhi. Và thiếu nhi Việt Nam tiếp tục cái cảnh đầy giàu có khi xung quanh bao phủ bởi hàng ngàn tác phẩm dành cho các em nhưng lại rất nghèo, khi trong số đó thực sự chẳng có mấy vốn là viết cho chính các em.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục