
Nghỉ việc để ngủ bù
Câu chuyện về một bạn trẻ sinh năm 1999 nghỉ việc để ngủ bù, dù mức lương hiện tại 3.000 USD/tháng (gần 80 triệu đồng). Theo đó, cô gái tên Tuyết Hân (ngụ quận 7, TPHCM) làm công việc thiết kế lĩnh vực trải nghiệm người dùng. Tuyết Hân cho biết: “Tôi ở nhà và làm việc từ xa, nhưng ngược múi giờ, thời gian dài phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày và chỉ ngủ khoảng 4 tiếng mỗi đêm. Tôi bắt đầu cảm nhận rõ sức khỏe xuống dốc và thấy mình cần tạm dừng lại. Trong khoảng 1 tháng đầu nghỉ việc, tôi gần như chỉ dành thời gian để ngủ”.
Để đưa ra quyết định nghỉ việc, không phải là điều dễ dàng với bạn trẻ này, bởi đây là mức thu nhập mơ ước mà nhiều bạn trẻ đang làm việc tại các công ty trong nước vẫn đang nỗ lực. Phía gia đình khuyên Tuyết Hân cân nhắc, nhưng chính cô hiểu rõ đâu là điều mình cần ngay lúc này: “Bây giờ, tôi cần chăm sóc sức khỏe hơn hết, tôi không muốn mình đi làm để rồi vừa bước qua tuổi 30 thì đi bệnh viện. Khi tạm nghỉ việc, tôi cũng có một chút tiếc nuối, nhưng điều tôi cần bây giờ là sự khỏe mạnh để đủ hứng thú, tỉnh táo học một chuyên môn khác và bắt đầu hành trình làm việc thú vị, chứ không phải bán sức để đổi lấy thu nhập”.
Câu chuyện của Tuyết Hân trở thành chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm trên các diễn đàn mạng xã hội, và đó cũng là nỗi niềm của không ít bạn trẻ gen Z khi tự gắn cho mình những áp lực vô hình, trong guồng quay hối hả của công việc, học tập. Một bộ phận người trẻ gần như tự áp lực với chính mình, đặt mục tiêu phải đạt bằng được vị trí cao hay thu nhập hấp dẫn trong thời gian ngắn nhất.
Để có được vị trí quản lý chi nhánh ở năm 27 tuổi, Nguyễn Tấn Tài (29 tuổi, kỹ sư hóa hữu cơ, ngụ quận 8, TPHCM) gần như chỉ có công việc. Tấn Tài kể: “Công ty cách nhà chưa đầy 2km, mà có khi gần một tháng tôi chưa về, cứ ở lại làm thêm thử nghiệm để đề xuất dự án mới. Đến bây giờ, mũi tôi gần như không ngửi thấy mùi vì một thời gian dài làm việc trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc với nhiều hóa chất. Tôi cũng đang điều trị gai cột sống. 2 năm ở vị trí quản lý thì cũng từng đó thời gian thấm thía tiền lương bù qua tiền thuốc”.
Lựa chọn vừa đủ
Mất gần 3 năm rèn thói quen cân bằng công việc, cuộc sống, Nguyễn Phan Phúc Huân (30 tuổi, kỹ sư lập trình, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Càng nhiều hợp đồng thì thu nhập càng cao, vì vậy mà tôi cũng như nhiều đồng nghiệp chấp nhận cày ngày cày đêm. Nhưng gần 3 năm gắng sức như vậy, tôi thấy sức khỏe sa sút hẳn.
Thậm chí, tới giờ cơm toàn món mình thích cũng ăn không nổi. Tôi lên kế hoạch lại, rèn cho mình thói quen làm việc và khoảng nghỉ hoàn toàn không công việc trong một ngày để tái tạo năng lượng. Mức thu nhập hiện tại của tôi giảm so với trước đây, nhưng nó đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và tôi cũng có thời gian đến phòng tập, ra ngoài công viên chạy bộ”.
Rời xa hẳn mạng xã hội, không áp lực với các mục tiêu như: có nhà tuổi 30, sắm xe trước 30, hay du lịch nghỉ dưỡng ở nước ngoài…, Hải Yến (27 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) chọn công việc của nhân viên thiết kế nội dung tại một công ty quảng cáo sau hơn 2 năm làm tự do, và xây dựng lối sống “biết đủ là hạnh phúc”.
Hải Yến kể: “Từ bỏ công việc theo các dự án, hợp đồng, thu nhập cao nhưng áp lực rất nặng nề, tôi chọn công việc mới, làm công ăn lương thôi nhưng có thời gian cho việc thư giãn, nghỉ ngơi, tái tạo cuộc sống. Tôi cũng bỏ theo dõi mạng xã hội, nơi có rất nhiều hình ảnh xa hoa, thành công này nọ, vốn góp phần tạo ra những áp lực vô hình trên vai phải bằng bạn bằng bè, mà quên mất một câu hỏi: Hôm nay, bạn đã có một ngày hạnh phúc và sống thật trọn vẹn chưa, hay chỉ lao theo mục tiêu để kiếm tiền, thăng chức?”.
Hành trình trưởng thành ở giai đoạn lập nghiệp là quãng thời gian mà người ta không còn ngồi trên ghế nhà trường, hay mỗi ngày ba mẹ nhắc nhở học bài. Hành trình này do mỗi người tự thiết kế để có giá trị phù hợp. Lựa chọn động lực để nỗ lực hay áp lực nằm ở việc bạn đã lắng nghe chính mình chưa. Lằn ranh giữa lựa chọn - đánh đổi rất mong manh.