Gìn giữ địa chỉ đỏ trong lòng đô thị

46 năm ngày đất nước thống nhất. Những dấu tích chiến tranh dần bị quy luật của thời gian phủ bóng. Nhưng trong lòng đô thị TPHCM hôm nay, những địa chỉ đỏ - nơi ghi dấu một thời đấu tranh kiên trung, hào hùng của dân tộc vẫn được lưu giữ như một điểm tựa phát triển, như bài học để thế hệ sau trân quý hòa bình. 
Các bạn trẻ tìm hiểu lịch sử truyền thống ở Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn, TPHCM
Các bạn trẻ tìm hiểu lịch sử truyền thống ở Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn, TPHCM

Di tích giữa lòng phố thị

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM) những ngày tháng 4 lịch sử liên tiếp đón những đoàn khách tham quan, muốn đặt lịch sát ngày không phải dễ. Gặp chủ nhân của bảo tàng - anh Trần Vũ Bình, con trai chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai - anh hào hứng kể vừa tiếp nhận thêm mấy hiện vật cho bảo tàng. “Đều là những kỷ vật được gia đình và thân nhân tặng lại”, anh cho biết. 

Công tác trong ngành kiểm sát, nhưng người con biệt động này lại có mối duyên và nặng lòng với việc phục dựng các địa chỉ, di tích lịch sử, với nguyện vọng sẽ lưu truyền mãi mãi cho thế hệ sau về quá khứ hào hùng của dân tộc. Anh kể, ban đầu gia đình cũng phản đối lắm, khi cứ bỏ tiền túi ra để đi mua lại những căn nhà từng lưu dấu một thời đấu tranh, rồi phục dựng và đưa vào tour du lịch biệt động. Đến nay, ngoài di tích căn hầm chứa vũ khí bí mật và Bảo tàng Biệt động, anh Bình còn sở hữu những địa chỉ tham quan quen thuộc như quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn ở 113A Đặng Dung. Xa trung tâm hơn là di tích nhà và hầm của Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định Trần Hải Phụng, Trạm giao liên tình báo biệt động Sài Gòn ở Củ Chi…

Với anh, niềm vui lớn nhất là tâm huyết của mình được xã hội đón nhận. Những cô chú từng vào sinh ra tử, nhờ tour du lịch đặc biệt này, lại có nhiều dịp sống lại ký ức khi trở thành khách mời chia sẻ, giao lưu với khách tham quan. Con cháu những lính biệt động năm xưa nhiều người được tạo việc làm ở các di tích. Như ông Bảy Hôn (chiến sĩ biệt động Phan Văn Hôn) sau những lần nói chuyện truyền thống với lớp trẻ, lại bảo mình như trẻ hẳn ra. Ông nói, gặp các cháu thấy vui mừng và tự hào lắm, các cháu sẽ tiếp bước và thực hiện ước mơ của cha anh khi cầm súng ngày xưa. 

Cũng nằm giữa phố thị nhộn nhịp, là một địa chỉ đỏ bề thế mà thoạt nhìn không phải ai cũng biết đó là địa chỉ đỏ: Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch). Ngay cả ngày nghỉ của đơn vị này là thứ hai và thứ ba đầu tuần vẫn không ít bạn trẻ tìm đến để tập dượt cho chương trình, sự kiện lớn, hoặc tìm hiểu về những khóa học phát triển kỹ năng, hoặc đơn giản là tìm một góc ngồi bên ly cà phê. Ngay từ cổng, dòng chữ được khắc trang trọng trên nền tường trắng: 4 Duy Tân - Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thành phố thời chống Mỹ. Nơi đây, trước năm 1968, số 4 Duy Tân là trụ sở hoạt động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - tổ chức công khai do Thành đoàn lãnh đạo. Đây cũng là trụ sở của ban tổ chức đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung năm 1968. 

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, nơi đây là trụ sở của Ủy ban Thanh niên sinh viên học sinh cứu trợ đồng bào bị nạn, cứu trợ hơn 1.000 đồng bào. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động đấu tranh như ra mắt tờ báo Sinh viên, tổ chức ca múa nhạc kịch, tuyên truyền ca khúc cách mạng, dự trữ lương thực, thuốc men, quần áo… vừa cứu trợ đồng bào vừa phục vụ chiến đấu của lực lượng cách mạng khi hoạt động ở nội thành. 

Những hiện vật một thời đấu tranh của tuổi trẻ Sài Gòn giờ đây được tập hợp, trưng bày tại Nhà Truyền thống. Căn phòng nhỏ với hơn 200 hiện vật vừa được cải tạo thành một không gian trưng bày hiện đại, theo từng chủ đề. Những năm qua, đây là nơi tìm về không chỉ của những thanh niên năm xưa, nay đã là ông già bà lão - mà còn có rất đông bạn trẻ.

Điểm tựa phát triển hôm nay

Đến Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn) hôm nay, giữa cái nắng tháng tư vàng rực, màu xanh tươi của cây cối làm dịu đi cái nóng, dịu cả lòng người. Trong tà áo dài xanh, chị Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng tổ lễ tân khu di tích say sưa nói với khách tham quan về những năm tháng lịch sử đáng tự hào của quê hương. 

Nơi này, năm xưa thực dân Pháp dựng nên trường bắn, xử tử những người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu…và đồng bào dám đứng lên chống lại ách nô lệ thực dân. Ngày nay, khu tưởng niệm liệt sĩ được tôn tạo, rộng 73.000m², khuôn viên xanh hơn 38.000m² thảm cỏ, hơn 800 cây cau, 5.000 nọc trầu tái hiện 18 thôn vườn trầu năm xưa, giàn bầu, hồ sen khoe sắc... 5 năm qua, khu tưởng niệm đón hơn 200.000 lượt khách tham quan. Sau khi được tôn tạo, năm 2019 nơi này đón hơn 67.000 khách. Với ý nghĩa lịch sử và cách phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp, nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc cho các hoạt động truyền thống, về nguồn, kết nạp đảng viên mới, hội trại truyền thống. 

Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, để có được khuôn viên tươi đẹp như hôm nay, bên cạnh việc đón khách, hướng dẫn tham quan, anh chị em lễ tân, văn phòng cũng xắn tay vào trồng hoa, tưới cây. Có dịp anh chị em cùng nhân viên bên công ty cây xanh trồng 5.000-1.000 chậu bông để mang lên đền chưng dịp lễ. 11 năm làm việc ở đây, chị mỗi ngày lại thêm gắn bó, thêm tự hào.

Cách Ngã ba Giồng không xa, Hóc Môn vẫn còn gìn giữ được rất nhiều địa chỉ đỏ trở thành nơi tham quan, lưu giữ những dấu tích của bất khuất, kiên trung. Đó là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Dinh Quận nằm ngay trong khuôn viên UBND huyện Hóc Môn; nơi hội họp Xứ ủy Nam Kỳ quyết định việc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940… Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên chia sẻ, những địa chỉ đỏ như di tích Ngã ba Giồng chính là điểm tựa, là nét son trong bức tranh phát triển của huyện. Hóc Môn đang đô thị hóa nhanh chóng, dân cư đông đúc, nhà cửa công trình mọc lên ngày một nhiều. Những địa chỉ đỏ sẽ là một phần không thể thiếu trong sự phát triển đi lên của huyện.

Hiện nay, TPHCM có 2 di tích quốc gia đặc biệt đều là các di tích lịch sử (gồm Dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi). Ở các quận huyện đều có di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố. Nhiều địa chỉ lưu dấu ấn lịch sử đang được các thế hệ hôm nay giữ gìn, tôn tạo.

Tin cùng chuyên mục