Ememem gọi đó là “flacking” - nghệ thuật biến những khe nứt, hố sâu xấu xí thành những mảng gốm độc đáo đầy sắc màu. Những miếng vá vỉa hè này được tạo nên từ vật liệu tái chế, mảnh kính vỡ hay gốm sứ bỏ đi. Cảm hứng đến với Ememem từ tinh thần của thành phố. Với nhiều người, Ankara có thể hiện lên xám xịt, nhưng với anh nơi đây lại đầy màu sắc, ánh sáng và họa tiết truyền thống. Đôi khi, các tác phẩm đi kèm dòng chữ, phản ánh ấn tượng riêng hay những câu nói đời thường mà anh nghe được trên phố.
Bắt đầu từ Lyon (Pháp) - quê nhà của nghệ sĩ vốn giấu kín danh tính và gương mặt, các tác phẩm của Ememem dần xuất hiện ở thủ đô Paris (Pháp), Milan (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha), Leipzig (Đức) rồi đến Chicago, New York (Mỹ) và cả Làng vận động viên Olympic Paris 2024. Điều Ememem thích nhất là những lần lặng lẽ tạo tác trong đêm, dựa trên niềm tin rằng đường phố thuộc về mọi người và cả chính anh. “Chúng ta không xin phép. Chúng ta làm vậy vì đường phố thuộc về tất cả mọi người”, Ememem nói.

Hình ảnh người ông trong ký ức của Ememem quét sân rồi quét luôn đoạn đường trước nhà vì coi đó là một phần của mình, đã gieo vào anh hạt mầm của nghệ thuật đường phố. Ememem chia sẻ một triết lý sâu sắc rằng khi cái gì thuộc về tất cả, ta lại dễ nghĩ nó không thuộc về mình. Qua nghệ thuật tô điểm cho những vết nứt, anh muốn gợi nhắc thông điệp rằng đường phố, thành phố, xã hội là của chúng ta và chúng ta đều là những người kiến tạo.
Với Ememem, tác phẩm là nghệ thuật, là thơ và cũng mang những thông điệp tinh tế. Ở Mostar (Bosnia), anh từng lấp hố bom bằng khảm gốm họa tiết dây thép gai, gợi nhắc về những dấu tích của lịch sử. Nhiều người yêu thích các tác phẩm của Ememem cho rằng những mảng màu rực rỡ này ngoài mục đích sửa chữa, còn làm đẹp và nhắc nhở mọi người về những khiếm khuyết của đô thị.
Những tác phẩm khảm gốm của Ememem thu hút cả sự quan tâm của các chính trị gia, quan chức địa phương và quốc tế. Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, bà Isabelle Dumont, cho biết những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện gần Đại sứ quán đã mang lại vẻ đẹp cho khu vực này.
Vật liệu tái chế được Ememem sử dụng, theo bà Dumont, không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa biểu tượng. Một số quan chức chính quyền thủ đô Ankara tin tưởng với nghệ thuật vượt qua ranh giới về vật lý và văn hóa, các tác phẩm của Ememem sẽ không bị giới hạn bởi bất cứ biên giới nào và sẽ xuất hiện ở nhiều địa điểm khác trong thời gian tới.
Theo Ememem, đường phố luôn là không gian nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Khi sử dụng đúng cách, nghệ thuật có thể kết nối con người rất nhanh, dù là nghệ sĩ hay bất kỳ ai”.