Giới hạn của sáng tạo

Người làm nghệ thuật luôn tìm kiếm và khao khát được tự do sáng tạo, bởi đó cũng là bản chất của sự tồn tại và quy luật cho phát triển. Nhưng đã bao giờ trên hành trình ấy, nghệ sĩ tự nhìn nhận ngược lại: Giới hạn nào cho sáng tạo?

Tiết mục Cô gái gen Z (phiên bản được làm mới từ ca khúc Cô gái mở đường) trên nền nhạc điện tử của Han Sara tại chương trình The Heroes 2021 đang là chủ đề gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội.

Không ít ý kiến cho rằng, tiết mục này “nhân danh” sáng tạo để phá nát một ca khúc nổi tiếng. Lời xin lỗi vì những “thiếu sót lớn” mà nữ ca sĩ đăng tải trên fanpage cá nhân với hơn 1,6 triệu người theo dõi không làm vơi bớt sự tức giận của công chúng.

Cũng liên quan đến sáng tạo, poster Rap Việt mùa 2 sử dụng phông nền phong cảnh 3D thành phố về đêm, thực chất là sản phẩm sao chép lộ liễu một tác phẩm độc quyền của công ty nước ngoài.

Theo thông cáo được phía nhà sản xuất đưa ra, nguyên nhân là “do sơ suất của bộ phận thiết kế khi sử dụng hình ảnh này từ trang download miễn phí”. Đơn vị này hiện đang tích cực liên lạc với tác giả/đơn vị sở hữu hình ảnh trên để xin phép quyền sử dụng.

Hai trường hợp nói trên, mỗi sự việc có bản chất khác nhau nhưng không thể gọi đó là “tai nạn nghề nghiệp” trong quá trình sáng tạo.

Đặt để vào trường hợp Cô gái gen Z, câu trả lời quá rõ ràng. Việc làm mới nhạc Việt, bao gồm cả các ca khúc nhạc đỏ, thậm chí là Quốc ca từng xảy ra. Có những phiên bản mới được đón nhận và khen ngợi bởi truyền tải được tinh thần tươi mới, nhưng vẫn giữ được bản chất của tác phẩm gốc. Để sáng tạo, điều quan trọng trên hết là tư duy, ý thức của nghệ sĩ, sau đó mới xét đến tài năng. Sáng tạo không có chỗ cho việc sao chép hay làm méo mó, thậm chí sai lệch nguyên tác.

Càng không thể quy kết hay đổ lỗi trách nhiệm hoàn toàn cho một cá nhân. Bởi khi sản phẩm xuất hiện công khai trên sóng truyền hình, nó là kết quả của một tập thể. Chỉ khi nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới có cách giải quyết thỏa đáng và triệt để. Việc tháo gỡ dữ liệu của sản phẩm vi phạm là điều chắc chắn phải làm, như bước sửa sai đầu tiên. Nhưng trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, ai cũng hiểu không thể xóa sạch dấu vết như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Chưa kể, khi những sản phẩm này lên sóng đã tiếp cận hàng triệu khán giả, các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức, sản xuất có lường trước và chịu trách nhiệm được hết với những hậu quả của cái gọi là sáng tạo, nhất là khi nó còn liên quan đến câu chuyện vi phạm bản quyền như trường hợp poster Rap Việt?

Sáng tạo phải đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: tạo ra những điều mới mẻ và mang lại giá trị. Với nghệ thuật, thiếu đi tiêu chí nào, sự sáng tạo đều là vô nghĩa.

Tin cùng chuyên mục