Giới trẻ và tình yêu môi trường

Sự kiện Giờ trái đất 2012 chính thức khép lại vào ngày 31-3, nhưng lại mở ra nhiều điều cần phải suy ngẫm về trách nhiệm với môi trường sống. Đặc biệt là với các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng nhiều kế hoạch nhằm cải thiện môi trường hiện nay.

Hơn 12.800 bạn trẻ đã đăng ký tham gia vào nhiều dự án hưởng ứng hoạt động Giờ trái đất khác biệt 2012 do Báo SGGP tổ chức. Chỉ riêng tại đêm sự kiện 31-3 tại nhà văn hóa thanh niên cũng đã có hơn 4.000 bạn trẻ đến tham dự. Vậy điều gì đã thu hút đông đảo các bạn trẻ đến với sân chơi này? Đó chính là tình yêu môi trường và sự khát khao được cống hiến sức mình nhằm tạo nên những thay đổi cho môi trường sống hiện tại đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều dự án trong hệ thống chuỗi hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất khác biệt 2012 như dự án Chai mặt trời (sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng nhà dân) với chi phí thấp, cà phê xanh, trường học đồng hành cùng giờ trái đất, vận động người dân tắt máy xe khi dừng đèn đỏ 20 giây… xuất phát từ những sáng kiến của các bạn trẻ. Hơn nữa, chính họ lại là những người cùng với ban tổ chức hiện thực dự án vào thực tế cuộc sống.

Trong suốt một tháng diễn ra chiến dịch, hàng trăm tình nguyện viên thuộc nhiều nhóm dự án khác nhau đã sống cùng môi trường. Họ đã và đang góp phần cùng cộng đồng dân cư cải thiện môi trường sống hiện tại theo hướng xanh hơn, sạch hơn.

Tuy nhiên, đáng tiếc là một chương trình dù dài đến đâu cũng phải đến lúc kết thúc. Ban tổ chức dù rất muốn tiếp tục duy trì hoạt động trên nhưng “lực bất tòng tâm”. Kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa hạn chế là nguyên nhân khiến cho những hoạt động yêu môi trường bị gián đoạn. Không khí đêm diễn ra sự kiện phần nào đã thể hiện sự luyến tiếc của nhiều bạn trẻ. Sân khấu dù đã tắt ánh đèn, đêm đã rất khuya nhưng vẫn còn hàng trăm bạn trẻ chưa chịu rời sân chơi môi trường của mình.

Nhiều bạn còn cố lên sân khấu để chụp hình cùng với những tấm băng rôn xơ dừa – một trong những sản phẩm thân thiện môi trường rất độc đáo của Giờ trái đất khác biệt 2012. Nhiều bạn trẻ còn vây quanh những người tổ chức để nhắn gửi hay nói đúng hơn là thuyết phục ban tổ chức hãy cố gắng duy trì những hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhiều bạn trong nhóm tình nguyện viên phụ trách dự án Chai mặt trời tâm sự, TPHCM hiện còn rất nhiều hộ gia đình nghèo cần được hỗ trợ lắp đặt chai mặt trời thay cho sử dụng điện ban ngày. Tuy nhiên, cho đến nay kinh phí ban tổ chức chỉ mới có thể triển khai ở một số gia đình. Và nếu không còn kinh phí thực hiện thì cũng đồng nghĩa là giải tán nhóm tình nguyện viên chuyên thực hiện dự án này. Đây là một điều thật đáng tiếc.

Sự đáng tiếc của các bạn cũng chính là sự nuối tiếc chung của ban tổ chức chương trình. Nuối tiếc vì tình yêu mãnh liệt với môi trường trong giới trẻ, sự mong muốn được tiếp tục đóng góp sức mình vào công tác bảo vệ môi trường chỉ có thể bó hẹp trong phạm vi chương trình nào đó, để rồi ngọn lửa nhiệt huyết của các bạn đang hừng hực cháy bỗng nhiên bị dập tắt một cách cưỡng chế.

Cộng đồng dân cư nói chung và giới trẻ nói riêng đã và đang nhen nhóm tình yêu với môi trường, nỗ lực thay đổi hành vi của mình để tạo nên môi trường sống thân thiện hơn. Các cơ quan chức năng cần gìn giữ lấy những ngọn lửa tình yêu môi trường đó. Từ đó có thể xây dựng kế hoạch hành động sao cho phù hợp để có thể thổi bùng lên, duy trì và luôn thắp sáng mãi mãi ngọn lửa đó.

Có như vậy thì hàng hàng tỷ đồng đầu tư cho công tác nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân hàng năm mới không bị trôi theo sông.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục