Xét yếu tố chuyên môn, Asian Cup 2019 là một dấu son trọn vẹn cho cuộc hành trình 365 ngày của bóng đá nước nhà. Từ Á quân của một giải trẻ (U.23 châu Á), đến tốp 4 của U.23+3 (Asiad), ngôi số 1 Đông Nam Á và là đại diện duy nhất của khu vực này góp mặt tại vòng 8 đội mạnh nhất châu lục. Chỉ cần nhìn vào sự phát triển có tính hệ thống như vậy, chúng ta sẽ hiểu vì sao đội tuyển của HLV Park Hang-seo có thể đường hoàng đẩy đội bóng 4 lần vô địch Asian Cup 2019 vào những thời khắc lo lắng ở trận tứ kết vừa qua. Cuối cùng, đó là những điều tuyệt vời ở khía cạnh niềm tin. Đây mới là chiến công thật sự. Không còn là “hy vọng điều bất ngờ” khi người hâm mộ chứng kiến những gì các cầu thủ Việt Nam đã làm ở tứ kết Asian Cup, đó là làm mọi thứ để đánh bại Nhật Bản. Tâm thế ấy, là một mốc son lịch sử.
Những ngày ở UAE, HLV Park Hang-seo có nhiều đêm thức trắng cùng với cộng sự Lee Young-jin của mình. Hai chuyên gia Hàn Quốc, bằng kinh nghiệm của chục năm làm nghề, trăn trở về những thứ mà có thể chính chúng ta, bao gồm cả nhà quản lý lẫn người hâm mộ, sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chỉ vì cứ lâng lâng với niềm vui thành công. Hơn ai hết, thầy Park hiểu rằng, nếu không đặt cho mình những tham vọng mới thì làm sao cầu thủ Việt Nam có thể tiếp tục khám phá bản thân, phá vỡ những giới hạn để vươn lên một tầm cao khác, trong đó có “giấc mơ World Cup”.
Là người từng góp phần vào kỳ tích châu Á với đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002, HLV Park Hang-seo biết rằng, trong một thời điểm nào đó, với một thế hệ tài năng đặc biệt, một đội bóng có thể tạo ra thành công vang dội. Thế nhưng, để duy trì đẳng cấp một cách lâu dài là điều không dễ dàng. Ở những nền bóng đá tiên tiến như châu Âu, khoảng cách giữa các thế hệ khá gần, nên dù có thất bại tại kỳ giải này thì đến giải sau, họ nhanh chóng trở lại với vị thế của mình. Trong khi đó, các nền bóng đá nhỏ với nền tảng không bền vững, thường phải “ăn đong”, chờ đợi rất lâu mới có sự tích lũy của nhiều yếu tố cùng lúc mới có thành công.
Với bóng đá Việt Nam cũng thế. Tiền vệ Quang Hải của chúng ta có thể không thua kém bất kỳ cầu thủ nào bên phía Nhật Bản, nhưng điều đó không có nghĩa là nền bóng đá Việt Nam đã xếp ngang hàng với họ vì đơn giản là chúng ta đâu có quá nhiều Quang Hải. Thành công ở Asian Cup 2019 cho chúng ta một niềm tin rất rõ ràng về khả năng vươn lên nhóm đầu châu lục, nhưng thực tế thì ngoài niềm tin ấy và một đội tuyển trong tay HLV Park Hang-seo, thì bóng đá Việt Nam… chưa có gì thêm. Đó chính là điều mà thầy Park đã trăn trở ngay khi ông đang cùng với học trò của mình thăng hoa.
Mọi thứ sẽ tùy thuộc vào những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, đó là VFF, cũng như trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL. Việc đầu tiên mà họ phải làm, đó là đúc kết cho được công thức thành công mà đội tuyển Việt Nam đang có hiện nay, bao gồm vai trò quan trọng của một chuyên gia như HLV Park Hang-seo. Đội tuyển hiện nay có thể chơi bóng thêm nhiều năm nữa với trình độ hiện có, nhưng cũng có thể mọi thứ sẽ thay đổi nếu có cuộc chia tay nào đó xảy ra. Một giai đoạn thành công dưới thời HLV Park Hang-seo đang có hiện nay là điều cực hiếm, đừng vì mải ăn mừng mà quên đúc rút ra các bài học thành công.
Nói cho cùng, đạt được thành quả đã khó, giữ được thành quả và vượt lên cao hơn mới là điều khó gấp nhiều lần. Bóng đá đỉnh cao là sự phát triển liên tục, không có điểm dừng. Đội tuyển dưới quyền của HLV Park Hang-seo có thể tiếp tục thành công ở vòng loại World Cup 2022 vào cuối năm nay, có thể giúp cho mục tiêu lọt vào tốp 10 châu lục trong tầm nhìn 2030 mà Chính phủ phê duyệt cho bóng đá Việt Nam sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện, nhưng điều đó sẽ không kéo dài quá lâu nếu ngay từ bây giờ, niềm tin và các giá trị mà đội tuyển Việt Nam đem đến không được tận dụng, phát huy một cách tương xứng ở V-League, hệ thống đào tạo và năng lực điều hành.