Giữ gìn, phát huy âm nhạc dân tộc

Được thành lập năm 1981, CLB Tiếng hát quê hương hướng đến mục tiêu góp phần bảo tồn, phổ biến và phát triển loại hình ca múa nhạc dân tộc. Trải qua 30 năm thăng trầm, Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan - Chủ nhiệm CLB - và các thành viên vẫn bền bỉ phát huy nghệ thuật dân tộc, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, phục vụ cộng đồng.
Giữ gìn, phát huy âm nhạc dân tộc

Được thành lập năm 1981, CLB Tiếng hát quê hương hướng đến mục tiêu góp phần bảo tồn, phổ biến và phát triển loại hình ca múa nhạc dân tộc. Trải qua 30 năm thăng trầm, Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan - Chủ nhiệm CLB - và các thành viên vẫn bền bỉ phát huy nghệ thuật dân tộc, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, phục vụ cộng đồng.

Hiện có khoảng 100 thành viên ở nhiều lứa tuổi, thuộc nhiều thành phần tham gia sinh hoạt tại CLB. Vào sáng chủ nhật hàng tuần, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, các thành viên đều hội tụ về đây cùng rèn luyện, nâng cao tay đàn, giọng hát về âm nhạc dân tộc với những làn điệu dân ca ngọt ngào.

CLB Tiếng hát quê hương biểu diễn tại Chương trình Hội ngộ đàn tranh năm 2011. Ảnh: AN DUNG

CLB Tiếng hát quê hương biểu diễn tại Chương trình Hội ngộ đàn tranh năm 2011. Ảnh: AN DUNG

Sau những chương trình biểu diễn mang tính chuyên đề như Bài ca xứ Huế, Duyên quan họ, Tình thắm duyên quê… đến năm 2000, các chương trình của CLB bắt đầu lấy theo số thứ tự và đến nay đã thực hiện được 40 chương trình phục vụ khán giả. Đặc biệt, cũng từ thời điểm này, quỹ khuyến nhạc được thành lập đã trao nhiều suất học bổng cho các em - thành viên CLB - có thành tích xuất sắc.

Không chỉ thế, việc đưa âm nhạc dân tộc vào học đường đã được CLB Tiếng hát quê hương thực hiện. Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô Thúy Hoan luôn canh cánh trong lòng ý tưởng xây dựng ý thức cho các thành viên, để từ đó phát triển tay nghề, góp sức gìn giữ, truyền bá nghệ thuật dân tộc ra cộng đồng xã hội. Đó là các lớp dạy hát, dạy đàn tranh tại trường tiểu học trên địa bàn TPHCM.

Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan chia sẻ: “Ý tưởng đưa âm nhạc dân tộc vào học đường là ao ước của nhiều người, nhất là GS Trần Văn Khê. Đáng mừng là CLB Tiếng hát quê hương đã đào tạo được nhiều học viên có chuyên môn cao, có niềm đam mê và tấm lòng trong việc theo đuổi đến cùng sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật dân tộc”.

GS Trần Văn Khê tâm sự: “Con đường đi của CLB Tiếng hát quê hương cũng giống như ý tưởng của tôi là bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ, phát triển cái mới mà không vay mượn bên ngoài, lấy cái vốn của mình để phát triển và trong khi phát triển vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc đó được thể hiện qua những chương trình CLB Tiếng hát quê hương thực hiện những năm gần đây… Thời gian thấm thoắt trôi mau, mới đó mà CLB Tiếng hát quê hương do tôi đỡ đầu đã tròn 30 tuổi. 30 năm chưa đủ gọi là nửa đời người nhưng những thành tựu CLB thực hiện được cũng đủ để nửa đời người khâm phục và mến trọng”. 

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục