Ngôn ngữ là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển là hết sức quan trọng. Ai ai cũng thấy rõ điều này. Ngôn ngữ không chỉ thể hiện trong giao tiếp ứng xử. Đấy còn là tâm hồn, cốt cách, trí lực của dân tộc.
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, luôn phát triển. Cho đến nay, hết thảy người dân Việt Nam đều nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt. Một sự phát triển tự thân không hề vay mượn ngôn ngữ nước ngoài. Rất nhiều từ mới, cụm từ mới, thuật ngữ mới thuần Việt ra đời phục vụ tốt hơn công việc giao tiếp, diễn đạt ý tưởng và phát triển kinh tế, xã hội, khoa học. Tiếng Việt không chỉ thuyết phục bằng âm sắc bổng trầm, tao nhã và trữ tình. Sức thuyết phục cao nhất của tiếng Việt ở chiều sâu của ngữ nghĩa. Do vậy, có thể khẳng định tiếng Việt ngày nay hội tụ đủ điều kiện để “lưu thông” trên mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, tiếng Việt cũng đang đứng trước thách thức bị “đồng hóa” cục bộ trong cuộc sống hàng ngày. Không hiểu sao những cụm từ và từ đơn giản rất dễ phát âm, rất đẹp về âm điệu của tiếng Việt như “cảm ơn”, “đồng ý”, “không”, “có”… đã được thay thế bằng tiếng Anh trong nhiều người, nhất là giới trẻ. Cũng không hiểu sao, để bày tỏ sự ngạc nhiên hay thích thú, tiếng Việt có nhiều từ cảm thán hay hơn, nhưng người ta vẫn kêu lên theo âm điệu tiếng Anh? Điều đáng nói hơn, sự lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp và thể hiện trên bình diện xã hội và thông tin đã trở thành một thứ “mốt” thời thượng. Thậm chí người ta còn sử dụng thứ tiếng Anh “bồi” một cách hồn nhiên thoải mái?!
Có người lý giải, do tiếng Anh thời hội nhập thế giới đang là thứ ngôn ngữ toàn cầu nên sự chi phối của nó với ngôn ngữ khác là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề này cần phải bình tâm xem xét kỹ. Ai cũng công nhận muốn hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất thiết phải biết và hiểu biết sâu rộng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, một ngôn ngữ có tính quốc tế. Cũng có thể coi đấy là một trong những động lực để phát triển. Song, muốn hội nhập có kết quả tốt, không thể chỉ “ăn theo” thiên hạ.
Thế giới tồn tại, phát triển nhờ ở sự đa dạng văn hóa. Quốc gia, dân tộc có tồn tại phát triển hay không cũng từ văn hóa. Trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu, quyết liệt như hiện nay thì vai trò động lực, nền tảng của văn hóa càng được thể hiện rõ hơn. Người xưa có nói, muốn người khác tôn trọng mình trước hết mình phải tôn trọng chính mình. Muốn hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới, trước hết người Việt phải yêu hàng Việt.
Nói tóm lại, tiếng Việt là một giá trị của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là bảo vệ bản sắc văn hóa Việt. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hệ thống nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan công sở và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn. Nhân dịp khai giảng năm học mới, cùng với việc mở rộng, nâng cao chương trình học ngoại ngữ, rất mong các trường có những cách thức giảng dạy mới để học sinh, sinh viên yêu tiếng Việt nhiều hơn.
Trần Văn