Câu chuyện đang làm các nhà quy hoạch và cả những nông dân lam lũ đau đầu hiện nay là quy hoạch đất trồng lúa như thế nào, làm sao để giữ được diện tích đất trồng lúa vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đảm bảo sản lượng xuất khẩu trước sức ép đô thị hóa, sân golf hóa.
Bao năm chân lấm tay bùn, người nông dân không phải không hiểu rằng nếu chỉ dựa vào cây lúa thì khó mà làm giàu được, vì ngoài xuất khẩu gạo chúng ta còn phải hướng tới xuất khẩu nhiều sản phẩm trí tuệ khác. Nhưng họ vẫn mong mỏi được giữ lại những ruộng lúa, cánh đồng thấm đượm mồ hôi, công sức của mình bởi vì họ nhận ra một bất công khi những bờ xôi ruộng mật bị thu hồi với giá rẻ mạt.
Trong khi giá đền bù một mét vuông đất hiện chỉ khoảng 75.000 đồng thì khi được quy hoạch thành khu đô thị, chỉ cần mới san nền, chia lô xong, doanh nghiệp đã bán sang tay với giá 20-23 triệu đồng/m2 (chung cư) và 45-50 triệu đồng/m2 (biệt thự). Còn nếu “núp bóng” sân golf để thu hồi đất làm khu biệt thự cao cấp thì còn lời hơn bội lần do dự án làm sân golf được ưu đãi với giá đền bù rẻ.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, nên đưa sân golf, khu đô thị mới, khu công nghiệp lên trung du, miền núi để bảo tồn những vùng đồng bằng phì nhiêu, thẳng cánh cò bay. Còn một khi đất trồng lúa đã bị san lấp, cải tạo để làm sân golf, nhà máy, khu chung cư mới… thì những ruộng lúa sẽ biến mất mãi mãi.
Mới đây Bộ NN-PTNT đã đưa ra dự thảo quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa trên cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đưa ra là từ năm 2030 trở đi, bằng mọi giá phải giữ lại 3,6 triệu ha đất lúa. Trong đó, bằng mọi giá phải giữ vững 2 vựa lúa lớn của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng châu thổ sông Hồng với tổng cộng khoảng 2,3 triệu ha.
Nhiều năm qua, cây lúa, hạt gạo Việt Nam đã trở thành một kỳ tích khi từ một nước đói nghèo lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên thành một nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Giờ đây, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, hạt gạo lại đang thể hiện vị trí quan trọng của mình khi vẫn có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu. Cũng để có đồng ngoại tệ, chúng ta đang phải trông dựa vào 2 mặt hàng chủ lực là dầu mỏ và lúa gạo bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu khác. Nhưng dầu mỏ khai thác mãi rồi cũng cạn.
Bởi thế, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải khai thác tối đa giá trị hạt gạo xuất khẩu. Mà để làm được việc đó thì không thể khác là phải đảm bảo được diện tích đất trồng lúa.
Phải chấm dứt tình trạng “xé” quy hoạch, thu hồi đất trồng lúa làm sân golf, khu đô thị mới ồ ạt như hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang và sắp sửa phải đối mặt với những hệ lụy của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều diện tích trồng lúa nước sẽ ngập trắng. Do đó, ngay từ bây giờ, phải vẽ được một bản đồ những vùng đất chuyên trồng lúa để quy hoạch lại một cách vững chắc, đảm bảo lâu dài, kiên quyết xử lý những địa phương xé quy hoạch, nhằm không chỉ để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu lâu dài, ổn định.
Văn Phúc Hậu