
Cái tên Phạm Văn Phúc có lẽ không còn quá xa lạ với những người quan tâm đến công nghệ sinh học, đặc biệt là tế bào gốc, hiện nay. Mới 27 tuổi, anh đã là Phó Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trưởng phòng thí nghiệm sinh lý học và công nghệ sinh học động vật Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM và là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong y học và trong sản xuất.

Anh Phạm Văn Phúc tại phòng thí nghiệm.
Chẳng hạn việc thu nhận các tế bào mầm sẽ là nguồn mẫu quan trọng để kiểm tra, đánh giá các chất có tiềm năng gây vô sinh; sử dụng các tế bào tiết insulin có thể dùng để điều trị bệnh tiểu đường; tạo tinh thể xà cừ invitro hướng đến công nghệ tạo ngọc trai trong ống nghiệm…
Phúc chia sẻ: “Có người cho rằng tôi còn quá trẻ, kiến thức hạn hẹp, hay “mơ mộng” nên có những đề tài không thực tế. Như đề tài nuôi ngọc trai trong ống nghiệm, khi tôi triển khai, nhiều người nói điều đó là không tưởng, không thể bắt con trai cho ngọc trong ống nghiệm được. Điều đó trái với quy luật tự nhiên. Nhưng chính những khó khăn và những điều “trái với quy luật tự nhiên ấy” lại khiến tôi đam mê và quyết tâm làm cho bằng được”.
Lớn lên trong một gia đình còn nhiều khó khăn nên từ nhỏ anh đã luôn nhắc nhở mình phải cố gắng học thật giỏi. Năm học lớp 12, Phúc đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Anh được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.
Phúc kể: “Tôi có cơ hội biết đến công nghệ sinh học khi được học bồi dưỡng môn Sinh học trước khi đi thi học sinh giỏi quốc gia và tôi đã mê nó từ đó. Ngoài lĩnh vực trị bệnh ở người, công nghệ này còn có thể tạo dược phẩm quý, vật nuôi sạch, bảo tồn động vật quý hiếm, làm ra thực phẩm chức năng…
Bận rộn là thế nhưng Phúc cũng dành thời gian để viết sách ngay từ lúc còn là sinh viên năm thứ 4. Cuốn “Công nghệ sinh học trên người và động vật” là cuốn sách đầu tiên anh đứng tên cùng thầy Phan Kim Ngọc. Anh còn tham gia thực hiện nhiều cuốn sách và giáo trình khác như sách Công nghệ tế bào gốc; giáo trình Công nghệ hỗ trợ sinh sản; Kỹ thuật nuôi cấy tế bào động vật và nhiều sách Thực tập chuyên đề… Ngoài ra, anh còn được mời tham gia viết một số chương trong các sách chuyên ngành về tế bào gốc của các nhà xuất bản ngoài nước.
Hiện nay, Phạm Văn Phúc cùng các đồng nghiệp đang phối hợp cùng Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiến hành dự án ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư vú. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước mà anh làm chủ nhiệm. Thời gian thử nghiệm kéo dài khoảng 3 năm với kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng. Sự thành công của đề tài hứa hẹn sẽ thắp lửa hy vọng cho nhiều bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
THANH AN