Phiên tòa sơ thẩm xét xử "bầu" Kiên và đồng phạm
(SGGPO). - Ngày 30-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục phần tranh tụng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã đối đáp lại quan điểm và chứng cứ mà luật sư bào chữa và các bị cáo tự bào chữa trước đó.
Theo đó, đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư trong vụ án, đại diện Viện kểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục khẳng định việc truy tố và xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội. Về hành vi "Kinh doanh trái phép" thông qua 5 doanh nghiệp của "bầu" Kiên, đại diện VKS căn cứ điều 3, Luật đầu tư 2005 về định nghĩa đầu tư trái phép và điều 4 Luật Doanh nghiệp việc mua cổ phần cổ phiếu góp vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động kinh doanh. Đại diện VKS chỉ rõ, 5 doanh nghiệp của "bầu" Kiên không đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh tài chính là mua bán cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác và cũng không đăng ký kê khai bổ sung. Trong khi đó, ngành này đã được mã hóa xếp vào nhóm ngành đầu 4, mã 64449, mã chức năng 644490. Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội kinh doanh tái phép qua 5 công ty trên. Về việc kinh doanh vàng trái phép của bị cáo Kiên qua công ty Thiên Nam, đại diện VKS cho rằng, công ty Thiên Nam không được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài nên theo quy định tại điều 159 Bộ Luật hình sự, VKS giữ nguyên quan điểm về hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Thiên Nam.
Đối với tội danh "trốn thuế", VKS cho rằng, công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB với tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán là 462.500 ounce, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỷ. Mặc dù có những lập luận của các luật sư và bị cáo Kiên cho rằng không phạm tội trốn thuế song VKS chỉ rõ, năm 2009 và 2010, B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định của Bộ Tài chính đã kết luận, thuế thu nhập doanh nghiệp của B&B là 25 tỷ. Do đó, đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Hương để chuyển lợi nhuận của B&B cho Hương rồi Hương chuyển lại cho Kiên. Vì thế bị cáo Kiên đã phạm tội trốn thuế.
Về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần thép Hòa Phát, đại diện VSK nêu rõ, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và ông Long ( Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát), ông Dương (Tổng giám đốc Hòa Phát) và tài liệu thu thập được có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đều phạm tội. Riêng bị cáo Kiên biết 20 triệu cổ phần bị thế chấp nhưng vẫn chỉ đạo Thanh chuyển nhượng cho Hòa Phát, bị truy tố là phù hợp. Với Yến, là kế toán trưởng của ACBI thì phải chịu trách nhiệm như quy định của pháp luật, Yến là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh với vai trò là giám đốc ACBI, không làm hết chức năng nhiệm vụ, là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo.
Đối với tội danh " Cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng", đại diện VKS chỉ rõ hành vi đầu tư mua cổ phiếu ACB đã được HĐQT của ACB bàn rất kỹ đến cả yếu tố rủi ro, hạn mức giao cho ACBS và giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thực hiện. Cơ quan công tố cho rằng ACI mượn tiền của ACB để mua chính cổ phiếu của ACB. Hoạt động này được thể hiện trong chính văn bản của ACI. Lời khai của các bị cáo cũng thừa nhận bản chất số tiền mua cổ phiếu ACB chính là của ACB. Các bị cáo cũng khai việc đặt lệnh mua cổ phiểu là do bị cáo Kiên chỉ đạo. Các bị cáo cũng thừa nhận hậu quả. Về việc ACB khăng khăng cho rằng ACB không thiệt hại qua việc mua cổ phiếu của chính mình, đại diện VKS cho rằng đó là nhằm tránh tội cho các bị cáo.
Liên quan tới việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank, đại diện VKS cho rằng thời điểm đó Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Do đó, các bị cáo liên quan đồng ý chủ trương ủy thác cho cá nhân đem tiền đi gửi là trái phép luật, không đúng với Luật các tổ chức tín dụng, trái với giấy phép hoạt động của ACB (chỉ được tiếp nhận ủy thác chứ không được ủy thác). Hơn nữa, quá trình ủy thác cũng có nhiều sai phạm, các nhân viên ACB không nắm được nghĩa vụ, trách nhiệm nào ngoài việc đến ký hợp đồng gửi tiền tại VietinBank mà chỉ thông qua Huỳnh Bảo Ngọc. Như vậy, ACB đã không làm đúng trách nhiệm. Hậu quả của việc làm trái này như Huyền Như đã thừa nhận là số tiền đã bị chiếm đoạt. Như vậy, chủ trương ủy thức gửi tiền không đúng quy định và số tiền đó đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Vì vậy, việc truy tố của VKS là có căn cứ, trong vụ việc này vai trò chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên là rõ ràng.
QUỐC LẬP
>> Ngân hàng nào chịu trách nhiệm khoản tiền 718 tỷ đồng bị Huyền Như lừa đảo?!