Giữ phí bảo trì chung cư sao cho đúng luật?

Như Báo SGGP đưa tin, Công an TPHCM đã triệu tập các thành viên Ban quản trị (BQT) cũ của chung cư Phú Hoàng Anh (TPHCM) để làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc chuyển tiền từ tài khoản BQT sang tên cá nhân, gây bức xúc cho cư dân và bị cáo buộc sai luật. Vậy, giữ phí bảo trì chung cư như thế nào cho đúng?
BQT cũ chung cư Phú Hoàng Anh có dấu hiệu chiếm đoạt phí bảo trì chung cư. Ảnh: CAO THĂNG
BQT cũ chung cư Phú Hoàng Anh có dấu hiệu chiếm đoạt phí bảo trì chung cư. Ảnh: CAO THĂNG

Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

Sau khi đăng bài “Vụ cư dân Phú Hoàng Anh tố bị giam nhà: Ai chiếm giữ quỹ bảo trì?”, ngày 9-3-2021, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nơi được BQT gửi phí bảo trì. Đại diện Ngân hàng SCB xác nhận ông Trần Hoàng Thái (Trưởng BQT cũ của chung cư Phú Hoàng Anh) đứng tên 5 tài khoản ở ngân hàng này. Đây là tài khoản cá nhân, ông Thái lại được ủy quyền chính thức để đứng tên nên ngân hàng không thể cung cấp thêm thông tin, nhằm bảo mật cho khách hàng. Nhiều năm qua, ông Thái nằm trong danh sách “khách hàng thân thiết” của ngân hàng. Nếu cơ quan chức năng có công văn yêu cầu Ngân hàng SCB cung cấp thêm thông tin để hỗ trợ về mặt điều tra thì ngân hàng sẵn sàng hợp tác theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, theo tài liệu niêm yết công khai tại chung cư Phú Hoàng Anh, BQT mới không chỉ gửi đơn lên cấp xã, huyện kêu cứu, nhờ can thiệp trả lại phí bảo trì mà cũng gửi đơn lên lãnh đạo TPHCM. Theo đó, “đơn kêu cứu” vào tháng 11-2019 của ông Phạm Cường, Trưởng BQT mới, gửi lên đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Chánh Thanh tra TPHCM về việc BQT cũ không bàn giao hồ sơ quản lý, hồ sơ tài chính, quỹ bảo trì. “Vì không có kinh phí bảo trì nên các hạng mục như hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước cùng nhiều trang thiết bị cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gần 3.000 cư dân. Để tránh các hành động quá khích của cư dân có thể xảy ra, BQT thay mặt cư dân xin ngành chức năng quan tâm có hướng xử lý…”, ông Phạm Cường, Trưởng BQT, viết trong đơn. Mặc dù đơn gửi đi từ lâu nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Ông Ngô Kim Đạo, thành viên BQT mới, cho biết, hiện nay lãi nhập vốn đã lên 46 tỷ đồng, vì ông Trần Hoàng Thái đứng tên cá nhân tài khoản nên Ngân hàng SCB không đáp ứng yêu cầu phong tỏa tài khoản này, chuyển sang tài khoản BQT mới.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Phú, Đoàn luật sư TPHCM, phân tích, hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo Điều 355 Bộ luật Hình sự. Theo quy định của điều luật, chỉ cần người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi chiếm đoạt (chuyển dịch tài sản người khác thành sở hữu của mình) là tội phạm đã hoàn thành, mà không nhất thiết người phạm tội phải có hành vi sử dụng, định đoạt đối với tài sản bị chiếm đoạt. Vì vậy, tại thời điểm BQT cũ chung cư Phú Hoàng Anh thực hiện hành vi chuyển dịch số tiền bảo trì chung cư sang các tài khoản cá nhân thì hành vi đã có dấu hiệu tội phạm, bất luận sau đó họ có sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân hay không.

Quản lý đúng quy định

Qua tìm hiểu tại nhiều chung cư khác cho thấy cơ bản việc quản lý phí bảo trì rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TPHCM, đây vẫn là một trong 13 tranh chấp xảy ra tại các chung cư.

115 tỷ đồng là số tiền khổng lồ từ phí bảo trì (lãi mẹ đẻ lãi con) của chung cư Gold View, quận 4 mà chủ đầu tư đã chuyển sang BQT. Bắt đầu giao nhà cho cư dân năm 2017, ông Trần Trọng Nghĩa, Trưởng BQT, cho biết: “Mỗi năm tiền lãi là 6 tỷ đồng, tiếp tục nhập vào vốn, tiền lãi cũng phải đóng thuế thu nhập. BQT không được tự tiện lấy ra bất kể đồng nào”.  Vì không muốn “bỏ trứng vào một giỏ” nên BQT đã chia làm 3 sổ, gửi tiền ở các ngân hàng có cổ phần của Nhà nước là BIDV và Vietcombank. Số tiền này được phân chia: 98% gửi cố định không được rút, 2% gửi “linh động”, sau 5 năm hết thời hạn bảo trì, nếu có những hạng mục hư hỏng sẽ dùng phần này để sửa chữa. Chủ tài khoản đứng tên là “BQT chung cư Gold View”, 3 thành viên cùng ký tên chung là Trưởng BQT, Phó BQT phụ trách tài chính, thành viên BQT không chuyên trách.

Chung cư Đạt Gia, phường Tam Phú, Thủ Đức do Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Đi vào vận hành từ năm 2017, dự án có 1.044 căn hộ, tổng phí bảo trì 18 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư chỉ chuyển 4 tỷ đồng. Về thủ tục bàn giao, ông Phạm Mai Duy Thông, Trưởng BQT chung cư, cho biết, theo quy định của pháp luật, sau khi BQT được bầu và chính quyền địa phương chấp thuận, BQT tiến hành mở tài khoản tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, tên chủ tài khoản là “BQT chung cư Đạt Gia”. Khi đó phí bảo trì sẽ chuyển vào tài khoản, nếu chủ đầu tư chuyển tiền. “Khi làm thủ tục gửi tiền, nói phí bảo trì thì ngân hàng sẽ hướng dẫn mình đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật chứ không tùy tiện”, ông Thông cho biết.

Dù có nhiều BQT chung cư quản lý tốt phí bảo trì, nhưng để hạn chế những tranh chấp xảy ra, trong báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM gửi UBND TPHCM ngày 14-4-2020, sở đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017, quy định thêm các hình thức xử phạt đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, BQT trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để phù hợp thực tế. Đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư gây ra nhiều tranh chấp, bức xúc cho cư dân và đã được Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP cho đăng tải các nội dung vi phạm của doanh nghiệp lên cổng thông tin điện tử của sở.

Tin cùng chuyên mục