Sau gần một năm tạm dừng việc xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do có nhiều ý kiến trái chiều, vừa qua, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm” để lắng nghe ý kiến về việc trùng tu hay xây mới trường này.
Trường THPT Châu Văn Liêm (trước đây có tên là Phan Thanh Giản) do Pháp xây dựng từ năm 1917, sau Trường Trung học Mỹ Tho 38 năm. Đây là 2 ngôi trường lâu đời nhất miền Tây Nam bộ, là nơi đào tạo nhiều bậc chí sĩ, nhà cách mạng, nhà văn, nhạc sĩ… nổi tiếng sau này. Do đó, ngôi trường không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới kiến trúc sư cả nước mà còn của nhiều người dân và cựu học sinh. Khi ngôi trường xuống cấp, hư hỏng, một số nơi không còn sử dụng được nữa, chủ trương đầu tư trùng tu, xây mới đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Vì lẽ đương nhiên, đụng chạm đến ngôi trường không chỉ là đụng chạm đến một công trình xây dựng mà còn đụng chạm đến ký ức của biết bao người, nhất là nơi đó, nhà cách mạng Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Viễn Phương… từng cắp sách đi học.
Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Lụa, hiệu trưởng nhà trường, từ khoảng 10 năm trở lại đây, ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng. Một dãy nhà không còn sử dụng được nữa, phải rào lại. Cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy đều quá yếu kém. Mùa mưa, sân trường ngập nước lênh láng. Đáng nói hơn là do những điều kiện trên, Trường THPT Châu Văn Liêm không được tái công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều phụ huynh, học sinh khi được hỏi về ngôi trường, ai cũng đều có cảm tình, vì nó là chứng nhân lịch sử của Cần Thơ trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, nhìn cảnh trường xập xệ, mất an toàn, mong muốn lớn nhất của không ít người là có được một ngôi trường khang trang, nhưng cách làm như thế nào?
Phương án đầu tiên là trùng tu. Năm 2014, Đại sứ quán Pháp đã cử hai kỹ sư đến khảo sát trường này và đưa ra khuyến cáo là không thể trùng tu được nữa. Vì vậy, sau 4 năm bàn bạc giữa các cơ quan hữu quan và được Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ cho ý kiến, Sở GD-ĐT Cần Thơ đã chọn phương án xây mới trường. Việc xây mới cũng có đến 4 phương án, chủ yếu là cải tạo lại và xây thêm các khu chức năng, chỉ có 1 phương án là xây mới theo kiến trúc cũ, giữ lại một dãy nhà làm di tích, có chức năng nhà truyền thống để lưu giữ hình ảnh, hiện vật của ngôi trường. Tại hội thảo cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau, nhưng vấn đề xây mới được các đại biểu quan tâm nhất. Ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cựu học sinh của trường cho rằng ít nơi nào còn giữ được một ngôi trường như Cần Thơ. Dù ngôi trường chưa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, nhưng trong trái tim người dân miền Tây Nam bộ và bao thế hệ học trò, ngôi trường đã là di tích. Thế nhưng, không vì tình cảm, ký ức mà để cho thế hệ con em mình chịu thiệt thòi, nên ngôi trường phải hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học hành hiện nay. Vấn đề là xây mới nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, khoa học và nhân văn, bằng cách tận dụng lại vật liệu trên nền kiến trúc cũ.
Hội thảo kết thúc, nhưng vấn đề vẫn chưa kết thúc. Điều đó cho thấy sự thận trọng của lãnh đạo TP Cần Thơ đối với một ngôi trường danh tiếng. Làm thế nào để vừa lưu giữ một ngôi trường vừa quyết tâm vì tương lai con em chúng ta thật sự là một câu hỏi rất khó trả lời, cần thêm thời gian và ý kiến của giới chuyên môn để có một quyết định hợp lý, hợp tình.
TRẦN MINH TRƯỜNG