
(SGGP-12G).- Nằm trên vùng đất duyên hải miền Trung đầy nắng gió, cuộc sống của những hộ dân thuộc làng Áng, xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) đang gặp rất nhiều khó khăn và khốn đốn. Cả làng có khoảng 70 hộ dân với gần 500 nhân khẩu song từ khi hình thành đến nay đều trong tình trạng “ba không”: Không có đất nông nghiệp; không hệ thống thủy lợi; không kế hoạch hóa gia đình. Cả làng, gần 100% thanh niên phải bỏ quê để “Nam tiến”.
Đẻ nhiều, đói kém, thất học...
Khung cảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một làng quê nghèo xơ xác, heo hút nằm vắt qua quả đồi uốn lượn. Đi đến gần hơn chỉ thấy những đứa trẻ không mặc quần áo, gầy còm, nhem nhuốc đang nghịch ngợm đùa với cát, đá... Tuy dân số đông nhưng phần lớn chỉ là người già và trẻ em. Hỏi chuyện cụ Tám đang bồng đứa cháu nhỏ ven đường, cụ cho biết: “Nhà tôi có 9 đứa nhưng chỉ có hai đứa ở lại làng, còn lại chúng đều rời làng đi Nam cả”.

Gia đình anh Vũ Duy Sự - một hộ “tiêu biểu” ở làng Áng về số nhân khẩu
Làng Áng nằm cách trung tâm xã Thanh Sơn chừng 4km, cách quốc lộ 1A 8km, làng ngăn cách với xã bởi một ngọn núi. Theo anh Lê Văn Tân, một người dân ở đây thì trước kia sự biệt lập giữa làng và trung tâm xã còn thể hiện rõ hơn, người làng ít giao lưu buôn bán với với trung tâm xã vì con đường từ làng xuống trung tâm tuy chỉ 3km nhưng nắng thì bụi mù, mưa thì thành những cái ao nhỏ rất khó đi lại. Phần lớn họ sống theo kiểu tự túc, tự cấp... Mang tiếng là một làng thuần nông song diện tích đất nông nghiệp gần như không có, bà con nơi đây đang canh tác chủ yếu trên các sườn núi!
Đã vậy, vấn đề sinh đẻ của bà con cũng không thể kiểm soát được. Cứ nhìn vào con số thống kê số hộ tương ứng với số nhân khẩu (68 hộ với 495 nhân khẩu) sẽ thấy, theo tỷ lệ này mỗi hộ gia đình có hơn 7 nhân khẩu/hộ. Ở làng này tìm được một hộ có 3 con là hiếm bởi họ không thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Chính vì có tỷ lệ sinh rất cao cộng với cuộc sống của bà con quá thấp mà cả làng có tới gần 40% trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học, số học sinh học cấp 2, cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay (6 em cấp 3, 40 em cấp 1, 2). Em Lê Thị Lái (gia đình có 8 anh chị em) cho biết: “Cháu cũng muốn đi học lắm chứ nhưng học đến lớp 4 phải bỏ học ở nhà đi kiếm củi vì nhà nghèo quá”.
Nhọc nhằn mưu sinh...
Diện tích đất canh tác khai hoang từ các sườn núi ít, lại dốc cộng với không có nước tưới vì thế mỗi lần trồng cây là mỗi lần đánh cược với thiên nhiên. Anh Nguyễn Văn Trực, một người dân ở đây, cho biết: “Cứ mưa xuống là chúng tôi ra đồng ngay vì khi đó có nước thuận tiện cho việc cày cấy, còn nếu không mưa thì phải bỏ ruộng hoang hay đi kiếm nghề khác mà làm cho qua năm..., không thì đói dài dài”.
Theo tìm hiểu, cả làng không có hệ thống thủy lợi không có lấy một con mương dẫn nước, cũng không có lấy một hồ chứa nước nào. Với diện tích tự nhiên gần 80ha nhưng diện tích ruộng tính trên đầu người chỉ khoảng 0,3m²/nhân khẩu! Có hơn 30% hộ không có ruộng đất. Khi được hỏi về những mong muốn của mình, anh Lê Văn Tuấn, một người dân, trăn trở: “Cái khó nhất của bà con lúc này là nước tưới. Chúng tôi mong ủy ban xã tìm hướng giải quyết để xây một con mương dẫn nước”.
Đó cũng là mong muốn chung của mọi người dân trong làng. Được biết, xã Thanh Sơn được cung cấp điện lưới quốc gia từ đầu những năm 1990 nhưng riêng với làng Áng thì mãi tới đầu những năm 2000 mới có ánh sáng điện.
Để tồn tại, gười dân phải xoay đủ các loại nghề, nào là kiếm củi bán hoặc đi buôn từng lá chè... Hiện nay, nghề đang được người dân tham gia tích cực nhất là nghề khai thác đá, đào cát núi bán cho dân các nơi.
Từ khi có nghề đá, cả làng tận dụng tối đa mọi nguồn lực, ngày đêm đào núi, tìm cát... Điều đáng nói, nghề này tập trung khá nhiều người tuổi trung niên và các em nhỏ. Gặp anh Đăng Văn Sỹ khi anh vừa rời chiếc búa tạ ngồi quạt mát cạnh cây thông, anh kể: “Nghề đá vất vả lắm chú ạ! Năm ngoái tôi mất đứa con vì khi tôi đang nổ mìn đánh đá thì nó chạy qua.
Hôm trước, một đứa khác bị đá văng trúng chân phải bó bột đang nằm ở nhà... Biết nghề này nguy hiểm nhưng không làm thì lấy chi mà ăn...”. Chưa kể, tình trạng khai thác đá bừa bãi đang làm cho những quả đồi trở nên nham nhở, loang lổ, nguy cơ xói mòn, lũ quét rất dễ xảy ra.
Rời làng Áng, hình ảnh những đứa trẻ nhếch nhác đang oằn mình ôm những viên đá nặng cứ ám ảnh chúng tôi. Những đứa trẻ không được đến trường, đang phải lao vào cuộc mưu sinh cùng cha mẹ ấy rồi tương lai sẽ ra sao?.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, ông Đỗ Trọng Huy, cho biết: Chúng tôi đang cố gắng tìm mọi biện pháp nhằm giải quyết các tồn tại ở làng Áng. Thứ nhất, là quy hoạch lại vùng khai thác đá của bà con để phát triển nghề khai thác đá theo hướng xuất khẩu chứ không ồ ạt, manh mún, thiếu quy hoạch như hiện nay... Thứ hai, là vấn đề thủy lợi. Do diện tích canh tác ở đây không lớn, trong khi địa hình khá phức tạp, việc dẫn nước rất khó nên chúng tôi đang đề xuất lên huyện xây dựng một đập thủy lợi chứa nước phục vụ sản xuất của dân trong vùng... Thứ ba, là vấn đề dân số. Tôi đã chỉ đạo các chi hội cần quan tâm sâu sát hơn, đặc biệt là Hội phụ nữ xã... Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp cùng với ngành giáo dục của xã động viên con em trong làng đi học và sẽ miễn, giảm các khoản đóng góp. Về vấn đề giao thông, hiện xã Thanh Sơn đã bê tông hóa đường làng được hơn 70%, riêng làng Áng sẽ được triển khai trong thời gian tới... |
Thành Vinh - B.Diệu