Các cơ quan chức năng ở tỉnh Thanh Hóa vừa khám phá một đường dây tín dụng đen liên tỉnh có quy mô lớn vào bậc nhất từ trước đến nay. Sơ bộ điều tra cho thấy, lãi suất cho vay của băng nhóm này lên tới 2,5% - 3%/ngày, tức là bằng 1/4 - 1/3 lãi suất cho vay hàng năm của ngân hàng theo quy định hiện hành, có nghĩa là cao gấp 200 - 300 lần lãi suất quy định. Trong hầu hết các trường hợp, khả năng chi trả của người vay là rất thấp, bởi gần như không có hoạt động kinh tế nào có mức lợi nhuận tương đương với lãi suất đó. Đây không phải là đường dây tín dụng đen duy nhất, mà vẫn còn nhiều băng nhóm khác, hàng ngày, hàng giờ hút máu người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Hậu quả của hoạt động tín dụng đen rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế. Bởi một số người vì cần vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc trang trải các việc cấp bách trước mắt mà sa chân vào bẫy tín dụng này, thì rất khó trả nổi lãi chứ đừng nói đến gốc. Họ sẽ không thể tiếp tục hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải bán đổ bán tháo nhà cửa, hay bị bọn cho vay nặng lãi xiết nợ. Khi đó, việc đầu tư cho con em đi học hoặc chăm sóc sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, ngay đến chỗ ở còn không được bảo đảm. Ở địa phương có tình trạng như vậy sẽ tác động rất xấu đến tình hình an ninh trật tự, sự yên tâm để làm ăn, sinh sống của người dân. Đó là chưa kể, việc bọn cho vay nặng lãi sử dụng bạo lực để ép buộc người vay phải trả nợ, gây hoang mang trong dư luận.
Trên thực tế, hoạt động tín dụng đen khá dễ tìm đất sống, do nhu cầu về vốn của người dân không nhỏ, kể cả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, chữa bệnh hoặc các tình trạng ngặt nghèo khác. Với nhiều người, vay vốn ngân hàng là điều không dễ dàng, bởi không có tài sản để thế chấp hoặc có tài sản nhưng không hợp lệ để có thể cầm cố theo quy định của ngân hàng; kể cả một số người không đủ những điều kiện về mặt cư trú để có thể được vay vốn, được hỗ trợ. Do đó, trong nhiều trường hợp, tín dụng đen là lựa chọn được nhắm đến để giải quyết tình huống, dù người vay gần như luôn ý thức được mức độ “cắt cổ” của các hợp đồng vay mà họ luôn ở thế bị nắm đằng lưỡi. Trong khi đó, khả năng quản lý của các cơ quan chức năng đối với loại tín dụng này là rất hạn chế, do cả bên vay và bên cho vay đều hoạt động ngầm, tìm cách che giấu, chỉ khi người vay chịu hết xiết và trở thành nạn nhân thì họ mới lên tiếng. Việc phát hiện và xử lý các trường hợp vay lãi suất cao là rất khó khăn và cũng chỉ là thiểu số. Thêm nữa, bọn cho vay nặng lãi thường ngụy tạo việc vay mượn bằng các hợp đồng có vẻ hợp pháp, các điều khoản ràng buộc khác được thể hiện riêng hoặc chỉ sử dụng bạo lực để xử lý, nên khi có phát hiện thì cũng không phải trường hợp nào cũng giải quyết đến nơi đến chốn và nghiêm minh.
Cách căn cơ để hạn chế tín dụng đen là phải làm tốt hơn nữa các hoạt động tín dụng nhân dân ở cơ sở. Đó là các hình thức hỗ trợ vốn không có lãi hoặc lãi suất thấp dành cho một số đối tượng đặc biệt nào đó, như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh ngặt nghèo (tai nạn, bệnh tật, thiên tai…). Nên sử dụng nguồn quỹ của các đoàn thể, các tổ hội do đoàn thể quản lý để giúp đỡ các thành viên trong đoàn thể hoặc tổ hội đó theo một lãi suất ưu đãi nhất định, nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng, có ưu tiên cho những hoàn cảnh đặc biệt. Mở rộng đối tượng và giảm bớt các thủ tục của ngân hàng chính sách xã hội để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, nhất là với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sử dụng hiệu quả hơn vốn từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ quốc gia giải quyết việc làm với ý nghĩa phục vụ nhiều hơn, chứ không chỉ quan tâm đến việc bảo đảm thu hồi được nguồn vốn. Nên phát huy sự giúp đỡ của cộng đồng với tinh thần chia sẻ, đoàn kết, dưới sự “làm cầu nối” và điều hành của những người có uy tín trong cộng đồng, người đại diện các đoàn thể tại cơ sở… Dĩ nhiên, các nguồn vốn này không thể đủ để giúp cho tất cả người có nhu cầu, cũng như không đủ lớn để giúp cho những người cần vốn lớn, nhưng ít nhất nó cũng làm giảm đối tượng có thể trở thành nạn nhân của hoạt động tín dụng đen, tức là giảm những trường hợp có thể lâm vào cảnh bần cùng vì loại tín dụng này.
Đồng thời, phải siết chặt quản lý các loại hình tín dụng trái pháp luật, kể cả những loại tín dụng tuy hợp pháp nhưng được che đậy kỹ để hoạt động phi pháp bên trong, như cho vay nặng lãi, có sử dụng biện pháp tước đoạt tài sản người vay trái pháp luật, cho vay cưỡng bức… Cần có các hình thức xử lý về mặt kinh tế và hình sự mạnh hơn đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về việc cho vay. Có như vậy mới mong giảm bớt các trường hợp đau lòng do lỡ vướng vào tín dụng “cắt cổ”.