Trong những ngày gần đây, Chính phủ cũng như các bộ ngành quản lý kinh tế đã có những biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là rút ngắn thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương, điển hình như TPHCM có nhiều sáng kiến trong việc rút ngắn thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai nhằm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, khó khăn của DN. Tuy nhiên, với xu thế chung của thế giới, kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang khó khăn, tỷ lệ các DN được thành lập mới đang giảm, số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đang ngày càng tăng lên. Đồng thời, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh về hoạt động thu hút đầu tư từ những thị trường mới nổi như: Lào, Campuchia, Myanmar. Sắp tới, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP vừa là cơ hội nhưng cũng vừa thách thức, chúng ta buộc phải đón đầu cơ hội mới. Vì vậy, việc tháo gỡ cơ chế nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế phải được thực hiện kịp thời.
Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước trung ương cần có sự định hướng và phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc cấp phép dự án nhằm rút ngắn các thủ tục. Đồng thời, các địa phương cũng phải linh động trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa 8 (kỳ họp bất thường) đã thông qua một số ưu đãi cho dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghệ cao TPHCM. Theo đó, dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung có tổng số vốn dự kiến là 1,4 tỷ USD, thời gian đầu tư dự án 50 năm. Nhà đầu tư cũng đã có cam kết thực hiện đúng lộ trình nội địa hóa sản phẩm đạt 30% - 40% sau 3 năm đi vào sản xuất ổn định. Như vậy, có thể thấy, với việc chấp nhận những dự án được thực hiện một cách nhanh chóng, rút ngắn hàng loạt các thủ tục và có thể nói vấn đề này chưa có tiền lệ nhưng đã thể hiện việc thay đổi nhận thức trong quản lý hành chính nhà nước.
Lãnh đạo các địa phương cần tổ chức các buổi tiếp xúc và đối thoại với DN. Tại các buổi đối thoại này, các DN sẽ nêu ra các vướng mắc, khó khăn đang gặp phải chủ yếu liên quan đến vấn đề nợ thuế, giá thu đất còn cao, các ngân hàng trên địa bàn không hạ lãi suất cho vay gây ra khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn... Điều này không chỉ giúp cho cấp quản lý có thể biết được nguyện vọng của các DN mà còn giúp cho DN gần hơn với cấp quản lý. Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong các cấp quản lý trong việc điều hành quy trình hoạt động của DN. Bởi lẽ, việc phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu sẽ tạo cho cấp quản lý có cách nhìn thiết thực và quản lý DN một cách chất lượng và hiệu quả hơn. Từ đó, các chế tài cũng được thiết lập song song với cách quản lý của người đứng đầu có chức năng cầm cân nảy mực cho sự hoạt động và phát triển của DN. Nên giao người đứng đầu có quyền sa thải các cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho DN. Thực chất hiện nay việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ rất khó khăn khi sa thải nhân viên của mình mà chỉ áp dụng những biện pháp chưa thể hiện tính răn đe.
Hiện nay với số lượng DN không nhiều và Việt Nam đang trên đà phát triển, do đó cần có những chính sách ưu đãi cho DN để khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập DN. Vì vậy, Chính phủ, lãnh đạo các địa phương xem xét miễn thuế cho DN vừa và nhỏ trong 3 năm đầu tiên thành lập để ổn định được tình hình, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN bằng những chính sách thuế, ưu đãi. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các đạo luật phải trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc cấp phép các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Việc phân cấp thẩm quyền cho các cơ quan quản lý địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra các DN vi phạm pháp luật, điển hình như các hoạt động chuyển giá của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.
NGUYỄN VIỆT KHOA