Ở khu vực Đông Nam bộ và miền Trung, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế biển. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, sau gần 1 năm triển khai nhưng đến nay vẫn còn những rào cản nhất định đối với ngư dân trong vùng.
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 32 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt hải sản và vay vốn lưu động với tổng số tiền hơn 570 tỷ đồng. Trong đó, đóng mới 10 tàu dịch vụ, 15 tàu khai thác; 7 tàu nâng cấp và vay vốn lưu động. Đến đầu tháng 8, chỉ có 1 tàu dịch vụ đã hoàn tất và đưa vào hoạt động. Hiện 3 chiếc đang đóng, 2 chiếc đã đóng hoàn thiện. “Ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 5 tàu (90 tỷ đồng), số còn lại dự kiến sẽ ký hợp đồng tín dụng vào quý 4-2015”.
Đối với Bình Thuận, đến tháng 8 này, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp cho hơn 140 tàu cá. Trong toàn tỉnh, thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý có số lượng đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 nhiều nhất. Riêng tại TP Phan Thiết, UBND tỉnh đã duyệt 10 trường hợp đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ...
Những con số được “duyệt” nêu trên như “lọt thỏm” trong danh sách đăng ký xin vay vốn đóng tàu dài ngoằng của ngư dân. Thời điểm hiện tại, nhiều chủ tàu vẫn đang loay hoay để đảm bảo nguồn vốn đối ứng; chưa có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ thép; giá thành đóng mới cao, tốn nhiều nhiên liệu.
Minh chứng cho những “rào cản” vừa nêu, ông Trần Văn Thời, ngư dân phường 5, TP Vũng Tàu, cho biết: “Chi phí để đóng một tàu vỏ gỗ công suất trên 400CV, với đầy đủ các thiết bị khoảng từ 3 - 4 tỷ đồng. Trong khi đó, một tàu vỏ gỗ đóng theo mẫu của Bộ NN-PTNT có giá 5 tỷ đồng, tàu vỏ sắt gần chục tỷ đồng. Ngư dân muốn vay vốn phải có vốn đối ứng lớn (30% đối với tàu vỏ gỗ và 5% đối với tàu vỏ sắt); chưa kể ngư dân phải thực hiện nhiều thủ tục mới tiếp cận được vốn vay ngân hàng để đóng tàu”. Theo Phòng Kinh tế TP Phan Thiết, hiện chỉ vài trường hợp có đủ nguồn vốn đối ứng.
Với 21 mẫu tàu thiết kế đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, các ngư dân ở TP Phan Thiết cho rằng không phù hợp với thực tế hành nghề trên biển và điều kiện sông nước ở các địa phương, cũng như từng vùng đánh bắt hải sản. Hầu hết người dân không chọn theo mẫu phê duyệt mà tự liên hệ với các đơn vị có chức năng để yêu cầu thiết kế mẫu phù hợp với ngành nghề và thực tế đánh bắt ở địa phương. Việc làm này vừa tốn kém chi phí của ngư dân và kéo dài thời gian để được phê duyệt.
Nghị định 67 ra đời không chỉ là đòn bẩy giúp ngư dân bám biển khai thác đánh bắt, mà còn hình thành một mạch kết nối để bảo vệ chủ quyền và lãnh hải Tổ quốc. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại từng vùng cần tích cực, chủ động trong việc giải ngân đối với các hồ sơ đủ điều kiện. Mặt khác, cần hướng dẫn ngư dân về cách tiếp cận vốn vay sao cho hợp lý, tháo gỡ những vướng mắc cũng như nhanh chóng hoàn tất việc thẩm định hồ sơ đã được phê duyệt. Công tác khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư, đóng mới, cải hoán, nâng cấp công suất tàu thuyền đủ khả năng vươn khơi, bám biển dài ngày cũng cần được các cấp chính quyền trong vùng triển khai đồng bộ, hiệu quả...
THỤC VY