Gỡ nút thắt, phát triển phong điện

Triển khai nhỏ giọt
Gỡ nút thắt, phát triển phong điện

Thiếu vốn, giá bán không đủ để bù chi… những điều đó đang tạo ra rào cản cho  việc phát triển phong điện.

Triển khai nhỏ giọt

Theo Viện Năng lượng, Bộ Công thương, tính đến nay cả nước có 42 dự án phong điện đăng ký và có 3 dự án đang phát điện thương mại, gồm: Dự án phong điện tại Tuy Phong công suất 30MW, tại đảo Phú Quý công suất 6MW (tỉnh Bình Thuận); tại Bạc Liêu công suất 16,5MW. Mới đây nhất, dự án phong điện Phú Lạc (tỉnh Bình Thuận) có công suất 20MW, tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng vào tháng 7-2015. Theo đó, tỷ lệ dự án phong điện được triển khai, đi vào hoạt động đến nay chỉ chiếm khoảng 10% tổng số dự án đăng ký. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) đã được phê duyệt, thì mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 đạt 4,5%, năm 2030 là 6% trong tổng nguồn cung cấp điện của cả nước. Trong đó, phát triển phong điện đạt 1.000MW vào năm 2020, đạt 6.200MW vào năm 2030, đưa tỷ trọng điện năng từ điện gió chiếm 0,7% năm 2020 lên 2,4% năm 2030.

Điện gió tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Vì sao Việt Nam được đánh giá có tiềm năng to lớn trong việc phát triển phong điện, đồng thời Chính phủ cũng đã có hẳn một hành lang pháp lý nhưng trên thực tế chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ trong tiềm năng cả nước? Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến các dự án phong điện triển khai chậm, khiêm tốn như nêu trên là do giá mua điện gió của nhà nước hiện nay thấp hơn giá thành (giá thành khoảng 9-10 cents USD/kWh), khiến nhà đầu tư e ngại. Giá mua điện gió của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa tương xứng với giá trị đầu tư của điện gió (hiện giá mua điện gió là 7,8 cents USD/ kWh, kể cả 1 cents USD trợ giá). Trong khi đó, suất đầu tư trung bình 1,9 triệu USD/MW điện gió, nên kéo dài thời gian hoàn vốn trên 10 năm… khiến các nhà đầu tư nản lòng. Chưa kể, hiện nay cơ chế bảo lãnh tiền vay nước ngoài cho các nhà đầu tư phong điện cũng không còn, nên với một dự án khoảng 50MW khó có doanh nghiệp nào tiềm lực đủ mạnh để đầu tư trực tiếp; trong khi đó, vay vốn thương mại thường lãi suất rất cao. Ngoài ra, các thiết bị phát điện hiện nay hầu hết phải nhập khẩu nếu mua của các nước phát triển như VESTAS (Đan Mạch), GAMESA (Tây Ban Nha)... chất lượng tốt, nhưng giá của các thiết bị thường rất đắt, từ đó kéo theo giá thành phong điện rất cao. Đối với thiết bị của Trung Quốc rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp e ngại khi vận hành có trục trặc nên không lưa chọn. Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam Tô Quốc Trụ, hiện hầu hết các dự án phong điện đều do các công ty tư nhân triển khai và để triển khai được họ phải vay vốn, trong khi đó vay vốn thương mại thường lãi suất rất cao, từ đó dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa như mong đợi.

Tạo chính sách ưu đãi

Theo các chủ đầu tư dự án nhà máy phong điện, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến vốn đầu tư dự án, nhập khẩu thiết bị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp được sử dụng vốn vay ưu đãi để nhập khẩu công nghệ chế tạo thiết bị phong điện nhằm giảm chi phí, giảm suất đầu tư, qua đó sẽ làm cho bài toán đầu tư điện gió tháo gỡ được nút thắt. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh giá mua điện gió theo lộ trình phù hợp, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư và nhập khẩu công nghệ sản xuất thiết bị.

Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các ưu đãi cho các dự án năng lượng gió để tăng sức cạnh tranh cho dạng năng lượng tái tạo này với các dạng năng lượng truyền thống khác. Trong đó, Chính phủ có thể đại diện kêu gọi sự đầu tư, giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước đối với các dự án điện gió. Đồng thời, cần nhanh chóng thành lập cơ quan hay tổ chức độc lập tư vấn về kỹ thuật và chiến lược kinh tế cho các dự án điện gió, đẩy nhanh quá trình thị trường hóa về sản xuất và mua bán điện trong cả nước, từng bước xây dựng thị trường cạnh tranh. Nhà nước cần củng cố hệ thống ban ngành liên quan, các văn bản, chính sách hình thành cơ quan quản lý nhà nước điều tiết hoạt động xây dựng và phát triển phong điện; đồng thời xóa bỏ những rào cản chưa hợp lý. Tăng cường đầu tư vào các chương trình quốc gia, xác định và thực thi các chiến lược, kế hoạch và chính sách khuyến khích việc sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng gió. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động, tích cực đề xuất những sáng kiến của mình, chung tay với Chính phủ cả về mặt kỹ thuật, sáng tạo và đầu tư nguồn tài chính để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục