Tuy vậy, dưới góc độ của các chuyên gia kinh tế, tư vấn pháp luật… vẫn còn những rào cản pháp lý, khiến những DN khởi nghiệp vốn dĩ đã thiếu, yếu đủ thứ sẽ càng gặp khó khăn trong nỗ lực định hướng phát triển.
Hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp
Thống kê từ các sở, ngành trên địa bàn TPHCM cho thấy, tổng mức phê duyệt các gói hỗ trợ DN, trong đó có sinh viên, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn TP lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn, TP đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ pháp lý, ưu đãi tài chính… Đối với Sở Công thương TPHCM, đơn vị có Trung tâm Hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp DN với diện tích khoảng 800m2. Tại đây, các cá nhân, DN khởi nghiệp sẽ được cung cấp miễn phí phần mềm quản lý DN, hỗ trợ tiện ích đi kèm như máy lạnh, internet, tư vấn miễn phí các thủ tục pháp lý… Ngoài ra, mỗi tuần trung tâm còn mở các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, giúp DN giải quyết các vướng mắc thời kỳ hội nhập, tiếp cận thị trường quốc tế…
Tính đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã tham gia chương trình hỗ trợ DN như các ngân hàng thương mại, trường đại học, cao đẳng, công ty dịch vụ tư vấn… nhờ đó, từ đầu năm 2017 tới nay, bước đầu đã có một số nhóm khởi nghiệp nhận được hỗ trợ tích cực. Chẳng hạn các dự án “Nền tảng giáo dục trực tuyến Schoolbus” được “rót” 1,063 tỷ đồng trong thời gian 13 tháng, “Sản xuất thuốc bảo vệ sinh học gốc thảo mộc, thân thiện môi trường, với hoạt chất azadirachtin chiết xuất từ hạt cây neem Azadirachta Indica A.Juss trồng ở Việt Nam” nhận được 1,2 tỷ đồng trong 13 tháng, “Thiết kế và chế tạo thiết bị phẫu thuật ứng dụng công nghệ laser vi điểm” nhận hỗ trợ 1,282 tỷ đồng trong 10 tháng…
Theo giảng viên Nguyễn Thế Đức Tâm, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã được tổ chức khá nhiều và đa dạng như sự kiện tuần lễ “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM - Whise 2017” diễn ra vào tuần lễ cuối tháng 10-2017, do UBND TPHCM phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tổ chức. Gần đây, giữa tháng 11-2017, Bộ KH-CN cũng tổ chức ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techfest 2017” với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp”… Trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên 47/128 nước và nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được tính đến nay. Ông Nguyễn Thế Đức Tâm nhận định, bước tiến đáng kể này có sự đóng góp rất lớn từ những nỗ lực khuyến khích, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian qua. Tuy vậy, hoạt động khởi nghiệp của nước ta vẫn còn ở mức sơ khai, thiếu sự kết nối đặt hàng để tìm ra nguồn cung giữa DN với các trường đại học, viện đào tạo, trung tâm nghiên cứu…
“Cởi trói” chính sách
TS Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) nhìn nhận, các quy định về hỗ trợ DN khởi nghiệp còn thiếu, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, cũng như chưa thực sự kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của DN. Chẳng hạn, việc hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn còn thiếu cơ chế, chính sách bảo lãnh tín dụng riêng; pháp luật đất đai chưa có nhiều quy định khả thi hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai (chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chính sách miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản…); việc hỗ trợ DN tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ, lao động chưa khả thi… Ví dụ, theo Điều 10 Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19-5-2007, quy định về tỷ lệ tổng doanh thu để được hưởng ưu đãi thuế chỉ phù hợp với DN lớn, có thương hiệu và đã hoạt động lâu năm. Còn với các DN khoa học và công nghệ khởi nghiệp rất khó đạt được quy định trên. Hoặc tại Điều 5 Nghị định 55/2013/NĐ-CP, quy định mức ký quỹ cao, gây khó khăn khi DN làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động…
Lý giải về những bất cập này, TS Hồ Quang Huy cho rằng, đó chính sự chưa rõ ràng, tách bạch giữa việc ban hành chính sách hỗ trợ DN nói chung với hỗ trợ DN khởi nghiệp nói riêng. Do vậy, việc cần làm trước mắt là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ DN khởi nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho DN… Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các DN khởi nghiệp hiệu quả, TS Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa VCCI - chi nhánh TPHCM, dẫn chứng: “Kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp từ các nước phát triển Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp… cho thấy, cần nâng cao nhận thức, quan điểm toàn diện đối với việc hỗ trợ DN khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Kế đến, nhanh chóng xây dựng thể chế, chính sách cho DN, xây dựng chính sách hỗ trợ một cách toàn diện với sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng và cơ quan Nhà nước… Một trong những ưu tiên hàng đầu chính là có chiến lược tháo gỡ khó khăn, phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa, dịch vụ cũng như các yếu tố đầu vào của sản xuất; thực thi hỗ trợ về thuế, tài chính, hoàn thiện hệ thống mạng lưới thông tin; tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường…”