Hàng loạt vướng mắc trong lĩnh vực hải quan như: Cách áp dụng thuế giá trị gia tăng trong xuất, nhập khẩu; áp mã hàng hóa hay kiểm tra chuyên ngành… đang cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Rối rắm!
Mới đây, tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Hải quan TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã bức xúc phản ánh về những vướng mắc trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, nổi bật là việc áp dụng mã hàng hóa để tính thuế giữa doanh nghiệp và hải quan chưa thống nhất. Một số chi cục hải quan yêu cầu doanh nghiệp đi kiểm định chất lượng hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Đơn cử, vừa qua Công ty CP Ắc quy miền Nam (Pinaco) nhập khẩu một số loại vật tư phục vụ sản xuất pin và ắc quy như lá cắt tấm phân cực ắc quy. Sản phẩm này được nhà cung cấp chứng minh vật liệu là sợi thủy tinh tổng hợp 94%, thuộc nhóm hàng chịu thuế nhập khẩu 5%. Tuy nhiên, phía hải quan áp thuế 20% với lý do thuộc mã hàng hóa khác với khai báo của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn những vướng mắc sẽ được cơ quan hải quan giải quyết triệt để. Hiện nhiều doanh nghiệp đang vướng về vấn đề áp sai mã số thuế, chi cục hải quan đang làm thủ tục áp dụng mã số thuế mặt hàng khác so với thuế suất 20%. Doanh nghiệp đang khiếu nại và mong được giải quyết triệt để thuế suất còn 5%”, ông Trần Hữu Tài, nhân viên xuất nhập khẩu, Công ty CP Ắc quy miền Nam, cho biết. Tương tự, đại diện Công ty TNHH Vinatoken cho biết, doanh nghiệp chuyên kinh doanh, mua bán vải không dệt, khăn ướt, vật tư tiêu hao y tế nhưng khi nhập khẩu mặt hàng bông, băng, gạc, bao tay lại bị áp thuế GTGT 10% trong khi quy định chỉ là 5%. Hay tại Công ty Ajinomoto Việt Nam với mặt hàng Amix-mật thu được từ chiết xuất đường củ cải (dạng lỏng) dùng làm môi trường nuôi cấy vi sinh trong quá trình sản xuất bột ngọt, theo các quy định hiện hành, mặt hàng này chịu thuế suất thuế GTGT 5%, nhưng gần đây lại nhận được yêu cầu phải áp thuế 10%. “Doanh nghiệp áp thuế 5% như lâu nay là chính xác không và nếu không đúng thì theo quy định nào? Vì cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm ra quy định nào áp thuế suất 10% cho mặt hàng mật rỉ đường”, đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam đặt vấn đề.
Nhân viên Cục Hải quan TPHCM hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục (Ảnh: CAO THĂNG)
Một số doanh nghiệp cũng phản ánh, gần đây liên tục nhận được thông báo của Chi cục Hải quan về việc nợ lệ phí hải quan, mặc dù họ đã đóng ngay tại thời điểm khai báo. “Chúng tôi đã đóng lệ phí nhưng hệ thống bị treo. Chúng tôi không hiểu sao lại bị phát nợ sau một năm và đòi phải cung cấp các biên lai và bản sao y để chứng minh”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh cà phê nói. Nhiều doanh nghiệp còn than phiền việc kiểm tra chuyên ngành thiếu nhất quán, mỗi lô hàng là một lần lấy mẫu, kiểm nghiệm tốn kém và tốn thời gian của doanh nghiệp.
Tìm giải pháp quản lý phù hợp
Theo Phó phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Quốc Toản, nếu đúng như những gì Pinaco trình bày, Hải quan Cát Lát áp thuế 20% là sai và doanh nghiệp cần làm việc ngay với Phòng Thuế xuất nhập khẩu cùng đại diện Chi cục Hải quan Cát Lái. Với trường hợp của Công ty Ajinomoto Việt Nam, căn cứ quy định hiện hành, hải quan sẽ phải hoàn thuế cho doanh nghiệp nếu đã thu 10%. Còn trường hợp của Vinatoken, trong các thông tư quy định về biểu thuế hiện tại, chỉ quy định mặt hàng bông, băng, gạc chịu thuế GTGT 5%, nếu áp doanh nghiệp 10% là không phù hợp. Riêng về lĩnh vực lệ phí, yêu cầu của chi cục hải quan là sai và nguyên tắc là lệ phí hải quan không là căn cứ cưỡng chế hoạt động xuất nhập khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cũng cho biết, thời gian qua, trước những vướng mắc phát sinh liên quan đến các văn bản mới, nhất là Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn, Hải quan TPHCM đã nhanh chóng tháo gỡ. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, Hải quan TP cũng đã báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. Riêng đối với những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thực hiện đề án này, Cục Hải quan TPHCM đã họp với các đơn vị kiểm tra chuyên ngành, đơn vị kinh doanh cảng để xúc tiến triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự kiến đầu tháng 1-2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động, khi đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các khâu kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu.
Phía hải quan cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan giảm số mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, chỉ những mặt hàng liên quan đến an toàn an ninh mới kiểm tra, còn những mặt hàng khác thì chuyển sang quản lý rủi ro hoặc đưa về kiểm tra sau thông quan. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2016, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường quản lý theo hình thức rủi ro, thay cho cách quản lý theo từng lô hàng, kiểm tra tất cả tờ khai như trước đây; tùy đánh giá phân loại doanh nghiệp, qua đó lựa chọn và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
LẠC PHONG