Theo báo Japan Times ngày 24-6, trung bình mỗi năm hệ thống cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Nhật Bản bán khoảng 2,2 tỷ nắm cơm “onigiri” - loại cơm nắm hình tam giác gói trong lá rong biển. Bằng việc thay thế các thành phần sản phẩm gói bọc thực phẩm bằng nguyên liệu làm từ cây mía, Seven-Eleven ước tính mỗi năm có thể giảm sử dụng 260 tấn nhựa và giảm 403 tấn khí thải CO2. Tương tự, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản đã thay thế túi ni lông đựng mì lạnh bằng nhựa tái sinh. Tuần trước, Công ty dịch vụ thực phẩm Ohsho cũng thông báo kế hoạch thay thế ống hút nhựa bằng ống hút sinh học có thể tự phân hủy và thay thìa nhựa bằng thìa nhựa sinh học tại 729 nhà hàng của công ty trên toàn quốc từ tháng 7 tới.
Những động thái trên cho thấy các công ty Nhật Bản, nhất là các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm, đang chạy đua tìm cách giảm dần, không sử dụng nhựa, hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của họ, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, và đang thụt lùi so với nhiều nước khác trong việc giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước giảm khoảng 25% lượng nhựa dùng một lần. Cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện việc tính phí cho túi ni lông ở các địa điểm bán hàng hóa như siêu thị, trung tâm thương mại nhằm hạn chế lượng túi ni lông, đồng thời nâng cao ý thức dùng túi tái sử dụng của người dân.