Gói ghém chi tiêu, tính chuyện đường dài

Thực phẩm tăng giá đáng kể thời gian gần đây khiến giới nhân viên văn phòng, lao động thời vụ… đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, thắt chặt hầu bao để thích ứng với cơn “bão giá”. Đây cũng là biện pháp kịp thời để trang trải cuộc sống trong thời buổi “gạo châu củi quế”. 

“Săn” hàng giá rẻ, nhờ gửi đồ từ quê

Cuối tuần, nhóm bạn hẹn nhau đi ăn uống, mua sắm, còn Mai Tuyết Anh (25 tuổi, trọ tại quận 10) bận rộn vào bếp dù chỉ ở một mình. Với cuốn sổ nhỏ ghi chép trên tay, Tuyết Anh chăm chú cộng các khoản chi tiêu từ tháng trước đến nay. “Tháng 6 chi lố hơn 3 triệu đồng, gồm ăn trưa, sinh nhật, đám cưới… Tháng 7 này cố gắng dè sẻn hơn để bù lại”, Tuyết Anh nhẩm tính. Chung hoàn cảnh đi làm xa nhà, Lê Thị Ngọc Lựu (27 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long, trọ tại quận 11) cũng nỗ lực cắt giảm chi tiêu. Theo Ngọc Lựu, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng, nhưng tiền trọ, tiền ăn uống và nuôi đứa em đang học đại học nên hầu như tháng nào cũng chẳng dư.

Bạn trẻ chọn mua trứng gia cầm bình ổn giá tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM
 Để tiết kiệm, nhiều bạn trẻ như Tuyết Anh, Ngọc Lựu… đã nhờ gia đình gửi gạo, rau củ, thịt cá từ quê vào tiếp tế. Mọi thứ đều của nhà trồng được, mà giá lại rẻ, hàng tươi nên trữ được lâu, tiết kiệm một khoản đáng kể. Anh Nguyễn Văn Tuất (ngụ quận Tân Bình) cho hay, hơn một năm qua anh đã chuyển đến ở với các bạn trong ngôi nhà thuê nguyên căn, giá 6 triệu đồng/tháng. “Mặc dù là nam giới, nhưng chúng tôi vẫn tự nấu ăn để mang tới công ty. Mỗi đứa một quê, nên thỉnh thoảng được người nhà gửi đồ ăn như bơ, nho, hải sản, rau tươi các loại vào TPHCM đủ trữ đông ăn cả tháng. Ngoài ra, vào cuối tuần, chúng tôi tranh thủ săn đồ giảm giá, khuyến mãi tại các trung tâm thương mại, siêu thị… Mỗi tháng cũng tiết kiệm đáng kể tiền ăn uống”, anh Tuất tâm sự. 

Bà Lương Thị Thủy (chủ nhà trọ tại hẻm 37, đường Tân Thới Hiệp 6, quận 12) cho biết, dịch bệnh tác động đáng kể đến cuộc sống người lao động. Chưa kể, gần đây giá cả tăng mạnh nên những người ở trọ quanh khu nhà bà Thủy đều sống tiết kiệm nhất có thể. Người thì chia tiền phòng, hạn chế sử dụng quạt, máy lạnh, người thì săn hàng giảm giá… Tóm lại, ở đâu có nguồn hàng rẻ, phù hợp khả năng chi trả là họ mua. Dẫn chứng thêm, bà Thủy cho hay, cũng một chai dầu ăn, nhưng nếu mua đầu hẻm đắt hơn 5.000-7.000 đồng/lít so với siêu thị, thì người mua sẽ chọn hàng ở siêu thị. Tương tự, trứng gia cầm bên ngoài thị trường đang cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/chục so với hàng bình ổn, nên người dân có xu hướng chọn mua hàng ở các siêu thị là chính. 

Chi tiêu hợp lý hơn

Vài tháng nay, nhiều nhóm bán hàng tại một số chung cư trên địa bàn TPHCM hoạt động hết công suất. Nhộn nhịp trong chợ mạng không chỉ có chị em phụ nữ mà có khá nhiều nam giới sẵn sàng đối chiếu thông tin, để tìm mua cho được các mặt hàng tươi ngon, phù hợp túi tiền. “Thời buổi này ngại ngần gì. Đói thì đầu gối phải bò thôi. Tiết kiệm chút nào hay chút đó”, anh Nam Nguyên (ngụ tại quận Gò Vấp) bày tỏ. 

“Thực sự, chính nhờ tác động của dịch bệnh mà em biết cách chi tiêu hợp lý hơn”, đó là tâm sự của Hoa Thảo, đang làm giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ ở quận 3. Trước dịch Covid-19, thu nhập của cô giáo 28 tuổi này khoảng 25 triệu đồng/tháng, nhưng mỗi tháng chỉ dư 1-2 triệu đồng, thậm chí có tháng không dư. Dịch bùng lên, công việc trồi sụt, thu nhập chỉ còn đủ cầm cự ở mức 6-7 triệu đồng, mới tăng lên 8 triệu đồng/tháng vào tháng 6 vừa qua. Nhớ lại những lúc đi du lịch trong và ngoài nước, chi tiêu thoải mái cho hàng hiệu, đi làm bằng xe công nghệ… khiến Hoa Thảo cảm thấy thực sự tiếc nuối vì đã lãng phí khá nhiều. Ở thời điểm hiện tại, Hoa Thảo vừa chuyển chỗ trọ, chia tiền phòng với một nữ đồng nghiệp để tiết kiệm chi tiêu, đồng thời tăng cường làm thêm. 

Anh Nguyễn Văn Tuất cho rằng, người trẻ thích chi tiêu thoải mái, hiếm khi lên kế hoạch trước, nhất là những người chưa vướng bận gia đình. Bản thân anh Tuất cũng vậy, nếu người ngoài nhìn vào mức lương và thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng của anh sẽ thấy rất ổn, nhưng thực tế hầu như anh chẳng dư được đồng nào. “Có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Đợt dịch vừa qua, mình phải nhờ bố mẹ cho mượn tiền chi tiêu, mua thuốc vì bị bệnh. Trải qua rồi mới biết sợ, nên giờ đây phải chi tiêu có kế hoạch hơn”, anh Tuất chia sẻ. 

Hiện có hàng loạt cách gói ghém chi tiêu, tiết kiệm thời “bão giá”, như nấu cơm nhà mang đi ăn, đi làm bằng xe buýt cho đỡ tốn xăng, tìm phòng trọ ở xa nội thành, thậm chí có người nghỉ việc TPHCM để về quê sinh sống… Thực tế, có những cách làm hay, khoa học, nhưng cũng có một số phương pháp cực đoan gây hại sức khỏe. Vẫn biết, mỗi người sẽ có những cách riêng để hoạch định tương lai, nhưng chọn cách nào đó phù hợp và bản thân cảm thấy thoải mái, đồng thời đảm bảo có đủ sức khỏe để tái tạo sức lao động thì đó mới là điều nên làm.

Tin cùng chuyên mục