Đầu tháng 3, Cà Mau có gần 40.700ha đất rừng khô hạn. Trong đó, hơn 36.000ha diện tích có rừng đang trong tình trạng báo cháy cấp IV-V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Hiện tại, hơn 500 người thuộc công an, quân đội, kiểm lâm, đơn vị trực tiếp quản lý và quần chúng nhân dân tại các xã có rừng túc trực ngày đêm để chống hạn, chống cháy.
Quyết tâm giữ rừng
Như dự báo ban đầu, mùa khô năm nay, nguy cơ cháy rừng cao đến sớm và kéo dài nên việc chuẩn bị phòng chống cháy được Cà Mau chủ động thực hiện từ rất sớm với các biện pháp đặc biệt nghiêm ngặt. Việc gia cố đê bao, cống đập giữ nước nối liền các trục giao thông thủy bộ đảm bảo an toàn cho Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ được đặc biệt quan tâm. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương các xã vùng đệm đã tổ chức 4 tổ tuyên truyền đến các khu dân cư vận động bà con cùng tham gia phòng cháy rừng và cam kết tham gia bảo vệ, chống cháy rừng cho 361 hộ dân cư sống trong vùng đệm.
Chỉ tay về hướng 2,5ha rừng tràm gần 10 năm tuổi của gia đình (giáp với VQG), bà Trần Thị Vân ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời nói: “Mùa này dân ở đây không ai đi đâu cả vì phải lo giữ rừng. Chú ra ngoài đó xem, con trai tôi là Nguyễn Quốc Việt-Đội trưởng Đội bảo vệ rừng số 4 của ấp Vồ Dơi và một đứa cháu ở canh rừng ngoài đó nhiều ngày nay. Giữ an toàn rừng của mình cũng là cách giữ an toàn cho VQG”.
Trong các nguy cơ dẫn đến cháy rừng trong điều kiện hiện nay, lo ngại nhất vẫn là tình trạng một số người lén lút vào rừng đốt ong, bắt cá gây ra cháy. Một vụ cháy rừng nhỏ vừa xảy ra tại phân trường Trần Văn Thời ngày 28-2, nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân lén lút vào lấy ong gây ra cháy.
Từ tháng 1-2010, Cảnh sát PCCC Công an huyện Trần Văn Thời đã cử lực lượng túc trực suốt ở VQG U Minh Hạ phối hợp thực hiện các phương án phòng chống cháy rừng. “Chúng tôi đã rà soát sàng lọc được 25 đối tượng thường xuyên ra vào rừng, yêu cầu phải cam kết tuyệt đối chấm dứt. Hiện các đối tượng này trong tầm giám sát chặt chẽ” - thượng sĩ Võ Hải Đăng, Cảnh sát PCCC Công an huyện Trần Văn Thời cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc VQG U Minh Hạ khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra cháy dù là nhỏ nhất. 27 chốt trạm quản lý bảo vệ rừng với lực lượng 134 người, 13 tổ máy bơm đã lắp đặt cùng tất cả các thiết bị, phương tiện khác đang trong tư thế sẵn sàng. Bên cạnh các lực lượng chức năng và chuyên trách chúng tôi còn có gần 1.000 người dân vùng đệm và dân phòng 4 xã tiếp giáp với VQG, có thể huy động bất cứ lúc nào khi sự cố xảy ra”.
Ngày 3-3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh đã trực tiếp vào VQG U Minh Hạ thị sát việc tổ chức phòng chống cháy rừng và thăm hỏi động viên, tặng quà cho lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh: “Phải sẵn sàng công tác chuẩn bị thật tốt để có thể ứng phó với mọi tình huống, nhưng hơn hết là phải tập trung canh phòng thật chặt chẽ, nghiêm ngặt; quyết không để xảy ra cháy rừng”.
Nguy cơ thiếu nước chữa cháy
Trưa tháng 3, nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Văn Đoàn, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động Cà Mau tăng cường cho VQG U Minh Hạ đứng trên chiếc thang cao để canh rừng ở khu 94 liên tục xoay ống nhòm hướng về những mảng rừng tràm trùng điệp đang khô quéo vì thiếu nước nhiều ngày qua. “Vị trí này vô cùng quan trọng vì có thể cùng lúc quan sát 3 cánh rừng tiếp giáp đang được báo động ở cấp cháy cực kỳ nguy hiểm là rừng đặc dụng Vồ Dơi, Lâm nông trường (LNT) U Minh 3 và LNT Trần Văn Thời”, anh Đoàn nói.
Trong khi đó, tại thang trông trung tâm vùng lõi cao 26m, một tổ công tác gồm cảnh sát PCCC, lực lượng kiểm lâm vùng 3 (Cục Kiểm lâm), bảo vệ VQG U Minh Hạ đang tập trung cao độ vào công việc. Anh Trịnh Hữu Thanh, kiểm lâm vùng 3 từ TPHCM vừa chi viện cho VQG U Minh Hạ hồi đầu tháng 3 đã cắm chốt gần như 24/24 giờ trên thang trông này. Chỉ tay về hướng vạc tràm lớn chạy dài hàng kilômét tại khu vực vùng lõi bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, anh Thanh cho biết: “Lo ngại nhất là khu vực này nắng quá trong khi mực nước dưới chân rừng cạn kiệt nên tràm khô đến bạc đầu rồi. Chỉ cần một tàn thuốc rơi vãi cũng trở thành… biển lửa trong tích tắc”. Năm ngoái cũng thời điểm này thì nước dưới các con kênh vẫn còn đầy, cây rừng còn xanh nhưng nay thì cạn sệt.
Theo chân đoàn kiểm tra vào sâu trong rừng, chúng tôi cảm nhận sự ngột ngạt của khu rừng đang héo hon vì khát nước và hiểu mọi người như đang thở cùng hơi thở của rừng tràm. Dừng lại tại một vị trí giữa khu 23/96 có nguy cơ cháy cao cấp cực kỳ nguy hiểm, xăn tay áo, ông Nguyễn Văn Thế nung tay xuyên qua lớp thực bì khô quéo dày hơn 5 tấc, moi lên nắm đất. Ông cố bóp chặt nắm đất ấy 2-3 lần nhưng vẫn bị tời ra. Sự căng thẳng lẫn lo lắng hiện ra trên khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại, ông Thế tặc lưỡi: “Sâu cỡ này mà nước đã bốc hơi gần hết, khô lắm rồi dù chúng tôi đã cho đắp 22 con đập từ giữa tháng 9 năm ngoái để tránh thất thoát nước và giữ độ ẩm cho rừng”.
Lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ thiếu nước chữa cháy rừng khi có “sự cố” xảy ra. Tháng 12-2009, mực nước trên các con kênh còn từ 2-2,5m nhưng đến nay sụt giảm trung bình 30cm/tháng. Tổng chiều dài hệ thống kênh là 143km, tổng trữ lượng khoảng 3,7 triệu m³ nước vào tháng 12-2009 nhưng đến nay đã giảm mất 700.000 m³ nước. Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ kéo dài, trong 3 tháng nữa, hệ thống kênh VQG U Minh Hạ sẽ cạn nước. Lúc đó, mực nước chỉ còn 0,5-1m, tổng trữ lượng chỉ còn 1,3 triệu m³, nhiều đoạn kênh gần cạn nước không đi lại được. Trong tình hình trên, nếu xảy ra cháy rừng là khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nước cháy trên diện rộng.
Chúng tôi rời U Minh Hạ, trời đã xế chiều nhưng vẫn còn nắng nóng hầm hập. Lực lượng bảo vệ rừng vẫn miệt mài trên các tháp canh lửa, tuần tra. Tiếng lách tách phát ra từ những đám lau sậy, dây leo trong rừng bị nứt nẻ do nắng thiêu đốt. Những ngày sắp tới việc “canh chừng bà hỏa” sẽ còn vất vả bội phần.
Từ ngày 15-3 sẽ ngưng các hoạt động tham quan du lịch, câu cá… tại Vườn quốc gia U Minh Thượng để tập trung cho phòng chống cháy rừng. Đồng thời sẽ vận hành 10 cống trong vùng lõi để giữ nước, duy trì độ ẩm cho rừng trong suốt mùa khô; trang bị dụng cụ chữa cháy tại 7 trạm quản lý; bố trí lực lượng, phương tiện trực ngày đêm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong vườn quốc gia. L.CHINH |
BÌNH ĐẠI