Gồng mình cứu lúa

Mặc dù mới vào vụ lúa đông-xuân chưa bao lâu, nhưng do thời tiết khô hạn bất thường, hàng ngàn hécta lúa đang thời kỳ làm đòng tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Người dân và chính quyền nơi đây đang triển khai các biện pháp cấp bách để chống hạn, cứu lúa.
Gồng mình cứu lúa

Mặc dù mới vào vụ lúa đông-xuân chưa bao lâu, nhưng do thời tiết khô hạn bất thường, hàng ngàn hécta lúa đang thời kỳ làm đòng tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Người dân và chính quyền nơi đây đang triển khai các biện pháp cấp bách để chống hạn, cứu lúa.

  • Khô hạn “trái vụ”

Lần đầu tiên trong mấy chục năm trở lại đây, giữa vụ đông-xuân mà miền Trung lại bị khô hạn nghiêm trọng. Tại Quảng Nam, từ đầu tháng 3-2010 đến nay, khi vụ đông-xuân mới vào giữa vụ  trên địa bàn tỉnh này xuất hiện nắng nóng  khiến hơn 1.600ha lúa đông-xuân tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An,… bị thiếu nước trầm trọng. Các con sông thuộc hai hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn ở Quảng Nam bắt đầu cạn dần, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, làm tê liệt các trạm bơm nông nghiệp cũng như các nhà máy nước sinh hoạt.

Tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn các quận, huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu diện tích lúa đông-xuân đang thiếu nước tưới đã hơn 500/4.500ha ruộng trong vùng. Trong đó, vùng bị nặng nhất là khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) với gần 300ha lúa. Nhiều vùng chuyên canh rau ở Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ đành phải bỏ đất hoang vì không có nước tưới.

Ông Nguyễn Bạn, nông dân thôn An Lưu (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã cùng gia đình kéo một đường ống lấy nước từ giếng bơm trong nhà ra đồng, mong cứu được chừng nào diện tích lúa hay chừng đó. Ông than thở: “Đông-xuân là vụ chính, mất trắng cũng đồng nghĩa với đói”.

Tại Thừa Thiên-Huế, nước mặn cũng đã bắt đầu xâm nhập vào sông Hương và các vùng ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tình trạng khô hạn vì thế cũng bắt đầu diễn ra tại các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới và các vùng hạ lưu. Theo ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay diện tích lúa bị khô hạn chưa nhiều. Nhưng với tình hình nắng nóng như hiện nay trong vài ngày tới nguy cơ diện tích lúa và hoa màu của tỉnh bị thiếu nước, khô cháy sẽ tăng lên nhiều. Sở đã yêu cầu các trạm bơm tranh thủ lúc các sông không bị nhiễm mặn để tập trung bơm nước vào đồng. Bên cạnh đó, tập trung điều tiết hồ chứa Truồi để có thể “cầm cự” được càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, theo ông Vang, đến thời điểm hiện nay lúa mới bắt đầu làm đòng sẽ cần nước trong hơn 1 tháng nữa.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, những ngày này, xuôi theo quốc lộ 50 về các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang) nắng trút như lửa, cây khát nước -  người cũng khát! Ông Lưu Văn Sáu, ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây lắc đầu: “Nhiều năm rồi, chưa bao giờ tình trạng thiếu nước gay gắt như hiện nay, cả cánh đồng Bình Tây đang lo “sốt vó” khô hạn đe dọa lúa đông-xuân”. Vụ này, ông Sáu canh tác 8 công lúa, do gieo sạ trễ để né rầy, nên lúa mới trổ thì gặp hạn làm nghẹn bông.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Ty, ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Nhựt, than: “Hơn 2 tuần nay, cả nhà phải thay nhau canh nước để bơm vào ruộng cứu lúa. Chưa bao giờ lúa cần nước như lúc này, vậy mà nguồn nước càng ngày càng cạn kiệt”. Những ngày qua, cứ tới 1 giờ khuya là ông Ty mang máy dầu ra kênh lớn bơm chuyền vào kênh nhỏ, để có nước bơm vào ruộng. Ông Lê Tấn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt cho biết, toàn xã hiện có 1.040 ha lúa đông-xuân đang trong giai đoạn trổ bông, đa số đều bị thiếu nước. Trong đó trên 140 ha thiếu nước trầm trọng buộc phải bơm chuyền 2 -  3 cấp, chi phí bị đẩy lên.

Bơm nước để cứu hàng chục ngàn hécta lúa ở ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH LỢI

Bơm nước để cứu hàng chục ngàn hécta lúa ở ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH LỢI

Không chỉ Thạnh Nhựt, mà các xã Đồng Sơn, Bình Nhì, Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây) tình hình thiếu nước đang gay gắt khiến hàng trăm hécta  lúa trước nguy cơ giảm năng suất, thậm chí thiệt hại. Chính quyền địa phương và người dân đang chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước để bơm vào kênh dự trữ, tuy nhiên nước mặn đang xâm nhập càng  lúc càng sâu vào đất liền, đẩy đồng lúa đông-xuân muộn ở Gò Công Tây vào thế khó khăn.

  • Nước mặn tràn đường

Tại Bạc Liêu, khoảng 15.000 ha lúa ở các huyện Giá Rai, Phước Long… bị xâm nhập mặn và khô hạn đe dọa. Trong số này, trên 600 ha lúa ở huyện Giá Rai có nguy cơ mất trắng bởi nguồn nước ngọt gần như cạn kiệt. Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, mực nước ngầm trong nội đồng gần như bị “âm”, trong khi nước mặn tràn vào dữ dội khiến các khu vực cuối nguồn của Bạc Liêu “chết trắng” vì thiếu nước ngọt. 

Sự bất thường của thời tiết đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp ở khu vực miền Trung. Theo số liệu quan trắc của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam, nước sông Thu Bồn năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước 43cm; độ nhiễm mặn của nước sông từ 0,7 - 2,8‰, trong khi độ mặn là 0,8‰ thì trạm bơm đã phải ngừng hoạt động.

Từ giữa tháng 2-2010, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp chống hạn khẩn cấp. Tại trạm bơm Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), Sở NN-PTNT đã đắp đập chính ngăn mặn tại cầu Đen để phòng ngừa nước mặn xâm nhập vào bể hút (nước mặn vào bể hút sẽ không tự thoát ra được – PV), xây dựng cống ngăn mặn lấy nước ngọt, đồng thời đắp đập phụ để chặn mặn khi nước mặn xâm nhập đến cầu Câu Lâu. Đồng thời, Công ty Khai thác công trình thủy lợi cũng cho lắp đặt 7 máy bơm có công suất từ 7,5 - 33 kWh khẩn trương bơm chống hạn cho hơn 1.600ha. Quảng Nam tiếp tục tăng cường lắp đặt thêm nhiều máy bơm, và tiến hành dự trữ nước tại ao hồ.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam: Khô hạn và nhiễm mặn hiện nay ở Quảng Nam đang diễn biến phức tạp. Khả năng giảm năng suất hoặc mất mùa là rất lớn. Điều đáng lo ngại của mọi người đó là mới vào vụ đông-xuân mà đã hạn hán thế này thì chắc chắn rằng vụ hè-thu sẽ hạn hán khốc liệt hơn nữa.

Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, trong 30.000 ha lúa đông-xuân ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công thì trên 2.674 ha bị thiếu nước buộc phải bơm chuyền 2 cấp. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm cho khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn. Nguồn nước ngọt từ sông Mekong đưa về khu vực cuối nguồn giảm mạnh, trong khi nước mặn từ biển xâm nhập vào đất liền cứ tăng. Dự báo năm nay nước mặn sẽ vượt qua thành phố Mỹ Tho, vào đến khu vực Đồng Tâm (huyện Châu Thành) cách biển khoảng 60 km. Trước tình hình trên, ngành thủy lợi Tiền Giang đã đóng các cống ngăn mặn, những nơi nào có điều kiện lấy nước ngọt thì đang tranh thủ quyết liệt.

Tại Sóc Trăng, hiện hơn 10.000 ha lúa xuân-hè ở các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng đã bị khô cạn, nguy cơ thiệt hại rất lớn. Ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho biết, trong điều kiện hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo, lại gặp hạn nặng và mặn tấn công, nên hàng chục ngàn hécta lúa rơi vào cảnh thiếu nước là chuyện hiển nhiên.

Chiều 8-3, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ xuống tận những nơi khó khăn để theo dõi chặt diễn biến tình hình. Kiến nghị trung ương hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng để cùng với người dân cứu lúa. Quyết liệt là vậy, nhưng lúa bị giảm năng suất là khó tránh khỏi, trong đó nhiều diện tích lúa tự phát ở xa nguồn nước khả năng mất trắng rất cao”.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, trước mắt cần khoảng 2 tỷ đồng để bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên vấn đề rối rắm hiện nay là sự “tranh chấp” giữa 2 vùng “mặn - ngọt” ở các huyện Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long… hết sức phức tạp. Những hộ nuôi tôm đang cần nước mặn để thả giống, trong khi hộ trồng lúa thì tìm cách đẩy mặn ra xa, khoảng 20.000 ha lúa - tôm ở đây đang trong vòng tiến thoái lưỡng nan.

Sở NN-PTNT Bạc Liêu thừa nhận, mấu chốt là do hệ thống thủy lợi còn ngổn ngang dẫn đến sự tranh chấp “mặn – ngọt” nhiều năm mà chưa giải quyết bởi thiếu vốn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thủy lợi phân ranh 2 vùng “mặn - ngọt” thuộc 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải chờ đến năm 2011 trở đi tình trạng tranh chấp “mặn - ngọt” mới hy vọng được giải quyết

NG.KHÔI - NG.HÙNG - H.LỢI

Tin cùng chuyên mục