Vùng biển miền Trung luôn phải đối mặt với những trận cuồng phong nguy hiểm. Hàng năm, có hàng trăm tàu thuyền, thậm chí cả tính mạng của ngư dân phải nằm lại dưới lòng biển sâu. Trong bối cảnh đó, ở Đà Nẵng đã hình thành các tổ tương hỗ, giúp nhau vượt qua khó khăn, sóng gió để vươn khơi, bám biển.
Nếu không có nguồn quỹ trong tổ, chắc tôi khó mà gượng dậy được trước những khó khăn, mất mát vừa qua. Thậm chí trắng tay, nợ ngập đầu”, đó là tâm sự của ông Trần Út, chủ tàu ĐNA-61406 bị sóng đánh chìm trong cơn bão số 3 tháng 8-2010. Khi tàu ông Út gặp nạn, ông Cao Văn Minh, Tổ trưởng Tổ tương hỗ số 4 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) trực tiếp điều hai tàu trong tổ ra tìm kiếm cứu nạn. Ông vào tận Quảng Nam để nhờ các tàu thuyền đang đánh bắt ở vùng biển Cù Lao Chàm cùng tìm kiếm giúp. Ông Út cùng 10 ngư dân may mắn được cứu kịp thời nhưng con tàu bị đánh chìm, nằm lại dưới đáy biển. Thế là trắng tay. Trong khi chi phí nhiên liệu lên đến hơn 60 triệu đồng. May mắn là ông Út nằm trong tổ tương hỗ nên toàn bộ chi phí đã được quỹ tương hỗ chi trả. Không những thế, sau khi thoát nạn trở về, ông Út còn được tổ hỗ trợ để sắm lại tàu, ngư cụ.
Ông Lê Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ tương hỗ số 8 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), cho rằng: “Khi đã vào tổ, tất cả các thành viên phải đặt lợi ích chung lên đầu. Một khi có tàu trong tổ bị nạn, tất cả mọi người được huy động, gác bỏ tất cả hoạt động đánh bắt để kịp thời đến ứng cứu”.
Tháng 2-2008, khi tàu ông Phạm Mỹ Em (thành viên trong tổ) đang câu mực ngoài vùng biển Hoàng Sa thì bị nổ bình gas, tàu bốc cháy làm 1 người chết, 2 bị bỏng nặng và 15 người khác phải ôm phao nhảy xuống biển. Nhận được tín hiệu cấp cứu, mặc dù các tàu trong tổ đang ở cách xa tàu bị nạn gần cả trăm hải lý, nhưng đã có đến 4/6 tàu trong tổ bỏ công việc đánh bắt để đến ứng cứu.
Theo ông Minh, Tổ Tương hỗ số 4 được thành lập từ năm 2007 với hơn 10 tàu thuyền thành viên. Tùy theo mùa đánh bắt khác nhau, các tàu thuyền trong tổ sẽ đóng quỹ mỗi tháng từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tính đến nay số tiền góp quỹ đã lên đến 120 triệu đồng. Các thành viên trong tổ đều phải nắm rõ quy ước: nếu tàu bị mất lưới, hỏng máy, các tàu thuyền khác sẽ tham gia lai dắt. Chi phí nhiên liệu quỹ chịu một nửa và tàu gặp nạn chịu một nửa. Với trường hợp mất tàu như ông Út, quỹ đứng ra chịu các chi phí nhiên liệu cứu hộ, cứu nạn. Ông Nguyễn Hiền, chủ tàu ĐNA-90242, thành viên trong tổ, cho hay: Làm nghề biển, nay được mai mất nên việc góp quỹ để hỗ trợ lẫn nhau mang ý nghĩa thiết thực. Nó vừa để thể hiện sự tương thân, tương ái, vừa tạo sự an tâm vươn khơi, hiệp đồng tương trợ trên biển. Bên cạnh đó, giúp các ngư dân có thêm điều kiện mua các trang thiết bị, ngư cụ và hỗ trợ khi đóng tàu mới...
Với những lợi ích thiết thực, đến nay, toàn TP Đà Nẵng đã hình thành 97 Tổ tương hỗ với 699 tàu thành viên. Trong 5 năm qua (2005-2010), các tổ tương hỗ đã cứu sống 114 thuyền viên bị nạn trên biển; vớt và đưa về đất liền an táng 23 bạn nghề; tham gia tìm kiếm được 5.200m lưới bị mất với tổng giá trị gần 500 triệu đồng; lai dắt 45 tàu bị nạn, hỏng máy vào bờ an toàn…
NGUYỄN HÙNG