Góp ý kiến phát triển TP Đà Lạt hiện đại và bản sắc

UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia TPHCM vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc”.

(SGGP).- UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia TPHCM vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc”.

20 bản tham luận được các nhà khoa học, các chuyên gia trình bày, cùng với nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận trong hội thảo đã thể hiện sự quan tâm của giới chuyên môn đối với TP Đà Lạt. Nhiều vấn đề được nêu ra như: Chính sách và giải pháp quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt (Sở Xây dựng Lâm Đồng), Hiện thực hóa các ý tưởng mới cho vùng đô thị Đà Lạt (PGS-TS Nguyễn Minh Hòa), Kế hoạch thực hiện quy hoạch chung Đà Lạt (TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn), Thêm ý cho quy hoạch mở rộng Đà Lạt (GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính), Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị Đà Lạt (PGS-TS-KTS Trần Văn Khải), Phát triển Đà Lạt xanh - cần kế hoạch chiến lược hơn cần quy hoạch đô thị (TS-KS Võ Kim Cương), Đánh thức nàng công chúa Đà Lạt - xin hãy nồng nhiệt và khẽ khàng (KTS Nguyễn Văn Tất), và những vấn đề văn hóa, xã hội như: Phát triển bền vững các đô thị di sản là điểm đến du lịch (KTS Trần Văn Khải), Tích hợp các giá trị và bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa trong bảo tồn và phát triển văn hóa TP Đà Lạt (PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp và TS Ngô Thị Phương Lan)… Tất cả đều tâm huyết một mục tiêu là phát triển một thành phố Đà Lạt hiện đại và bản sắc.

BÌNH NGUYÊN

Tây Nguyên thiếu nhân lực qua đào tạo

(SGGP).- Trường Đại học Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa phối hợp với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực cho địa bàn Tây Nguyên. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng có 20 trường đại học, cao đẳng với gần 50.000 sinh viên đang theo học; có 17 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung tâm dạy nghề, hàng năm đào tạo nghề cho hàng ngàn học viên. Nhưng toàn vùng chỉ có 15 phó giáo sư, 103 tiến sĩ, 1.500 thạc sĩ và 43.505 người có trình độ đại học. Còn năng lực đào tạo của các trường vẫn còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ sinh viên được đào tạo ở bậc đại học chỉ 136,6 sinh viên/1 vạn dân, tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm 9,4%; số lượng giảng viên còn thiếu, có đến 40,93 sinh viên/giảng viên, số lượng lao động qua đào tạo nghề mới đạt 26,3%…

Trong khi đó, quy mô ngành nghề chưa phong phú, chưa đáp ứng được tình hình thực tế ở Tây Nguyên khi thiếu ngành đào tạo về chế biến sau thu hoạch, trong khi đây là vùng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, tiêu, cao su, rau hoa…; thiếu ngành khoa học xã hội nhân văn (trong khi đây là vùng đa sắc tộc, phong phú về loại hình văn hóa); việc đào tạo bác sĩ đa khoa còn ít… Hội nghị cũng đã thảo luận các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên như: Hiện đại hóa các trường đại học, cao đẳng theo hướng ứng dụng nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy; ưu tiên đầu tư cho Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt theo hướng đa ngành nghề; xã hội hóa giáo dục Tây Nguyên…

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục