GS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (ảnh) là một trong những bậc đại thụ của Việt Nam trong sáng tác khí nhạc, đặc biệt là giao hưởng thính phòng. Ông là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đến nay đã sáng tác 9 bản giao hưởng, là tác giả của hơn 100 tác phẩm thể loại thính phòng, thanh xướng kịch, tổ khúc và giao hưởng, có tác phẩm biểu diễn thành công tại nhiều nước trên thế giới. Giáo sư (GS) đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về con đường âm nhạc của mình.
Phóng viên: Là một trong những bậc đại thụ của nhạc giao hưởng Việt Nam, GS nhận định gì về nền âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam?
GS-TS, nhạc sĩ NGUYỄN VĂN NAM: Việt Nam là một đất nước có kho tàng âm nhạc truyền thống, nhạc cụ cổ truyền vô cùng phong phú, đa dạng, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền nhạc khí Việt Nam lại có đến hàng ngàn năm lịch sử, đã cải tiến và hoàn thiện ở nhiều thời kỳ. Khoảng thập niên 60, nền âm nhạc giao hưởng - thính phòng nước ta đã chính thức hình thành ở Hà Nội. Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam ra đời với dàn nhạc chính quy đã trình diễn những tác phẩm tầm cỡ, quy mô lớn, những tác phẩm bậc thầy của thế giới. Và lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội vang lên những tác phẩm của tác giả Việt Nam như: Giao hưởng số 1 Quê hương của Hoàng Việt, thơ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc của Hoàng Vân, độc tấu violin và dàn nhạc Chim ưng của Đàm Linh, Overture Tình yêu và chiến thắng của Nguyễn Đình Tấn, nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận, nhạc kịch Bên bờ sông Krong-ba của Nhật Lai…
Tiếp bước thế hệ tiền bối, nước ta có đội ngũ nhạc sĩ sáng tác khí nhạc đã dốc sức tạo nên nền khí nhạc đầy hứa hẹn với quốc tế: Ca Lê Thuần, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, Hoàng Dương, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc… Một lớp nhạc sĩ trẻ đã tự tin đóng góp bằng tài năng và lòng đam mê: Trần Mạnh Hùng, Trần Thanh Hà, Bùi Thiên Hoàng Quân, Lê Quang Vũ, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Việt Anh... Chúng ta nên tự hào nền giao hưởng thính phòng Việt Nam dù còn non trẻ nhưng đã có thế hệ đặt nền móng và thế hệ kế thừa phát huy.
Có thể thấy hầu hết trong các bản giao hưởng của GS là hình ảnh Tổ quốc rất thiêng liêng, là tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến...
Hơn 10 tuổi, tôi đã thoát ly gia đình theo kháng chiến, tập kết ra Bắc, rồi sang Nga học nhạc. Cho nên dù ở đâu, hình ảnh quê hương luôn trong tâm trí tôi. Tôi vẫn nhớ thuở ấu thơ, những buổi trưa hè lặn hụp dưới các dòng sông, vẫn thèm chén cơm gạo trắng với cá lòng tong kho tộ vàng tươi… Điều này khiến hầu như các tác phẩm của tôi đều mang âm hưởng làn điệu dân ca của miền Tây sông nước, đặc biệt là những điệu hát ru miền Tây Nam bộ. Tuy nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo của tôi là một - chủ đề quê hương đất nước, nhưng ở mỗi tác phẩm, sự cấu trúc từng cung bậc, không bị trùng lặp hoặc đi theo lối mòn. Tôi cũng rất yêu thương mẹ mình. Dù ở bất cứ phương trời nào, tôi luôn nghe điệu ru con Nam bộ thân thương của mẹ. Đối với tôi, mẹ là quê hương - quê hương là mẹ. Viết về quê hương tức là viết về mẹ. Không chỉ trong sáng tác, tình cảm và cuộc đời riêng tôi cũng vậy, cũng xuất phát từ tình yêu rất lớn dành cho quê hương.
Xin GS tiết lộ một chút về Bản giao hưởng số 10 mang tên Những ngôi mộ không tên mà GS đang hoàn thành?
Bản giao hưởng số 10 Những ngôi mộ không tên, giao hưởng cầu siêu (Requiem symphony), tôi viết để ngợi ca, để tỏ lòng biết ơn, tri ân và truy điệu những người lính đã ngã xuống vì độc lập cho dân tộc. Tôi viết để tặng đồng đội tôi, tặng người cha bị giặc Pháp bắn tại Chiến khu Đồng Tháp Mười năm 1951... Giao hưởng gồm 4 chương: Chương 1 - Phút tưởng niệm, chương 2 - Bài ca người lính, chương 3 - Màu xanh đất mẹ, chương 4 - Vĩnh cửu tên anh.
Được biết, GS đang hoàn thành quyển sách rất tâm huyết Nghệ thuật sáng tác khí nhạc. GS có thể chia sẻ thêm về tài liệu quý hiếm này?
Nếu được chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật sáng tác khí nhạc, tôi sẽ đi sâu vào giao hưởng. Tôi không coi cuốn sách này là giáo án hay giáo trình mà là lời tự thuật, những dòng chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ sau. Tôi mong muốn được chia sẻ với người thưởng thức âm nhạc, chứ không chỉ dành riêng cho người làm nghề.
Là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có nhiều tác phẩm giao hưởng biểu diễn thành công trong nước và nhiều nước trên thế giới, GS mong mỏi điều gì ở nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam?
Tôi tin tưởng rằng, những nhạc sĩ sáng tạo thể loại khí nhạc trong tương lai sẽ tích cực đóng góp, làm giàu thêm cho kho tàng tác phẩm khí nhạc nước nhà. Chúng ta đã bước vào đầu thế kỷ XXI, nhờ sự phát triển tuyệt vời của các phương tiện truyền thông hiện đại, giúp sự giao lưu văn hóa trong đó có âm nhạc được mở rộng hơn bao giờ hết. Cho nên, chúng ta phải biết giữ gìn những truyền thống tinh hoa trong âm nhạc truyền thống, những nét độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời biết kết hợp một cách sáng tạo với các dòng nhạc mà các trào lưu âm nhạc tiên tiến, tiến bộ của nhân loại để tạo nên những tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật cao.
Trước hết, chúng ta rất cần những người thầy có kinh nghiệm thực tiễn, giàu trách nhiệm, yêu nghề và yêu trò. Người thầy dạy sáng tác rất quan trọng trong việc tìm kiếm và phát hiện tài năng của học trò. Họ giống như những người trồng cây, biết chọn hạt giống tốt để ươm mầm. Khi hạt giống đã nảy mầm, ta phải biết cách chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng để mầm non đó phát triển thành quả ngọt. Công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng đòi hỏi thầy cô ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn còn phải có lòng nhân ái, kiên nhẫn, giàu tình yêu thương, tận tâm tận lực để phát triển những tài năng còn đang tiềm ẩn. Đồng thời người học trò ngoài năng khiếu, tố chất bẩm sinh về âm nhạc phải siêng năng học tập, đam mê nghề, trau dồi không mệt mỏi… Sự kết hợp chặt chẽ, tương đồng trong mối quan hệ thầy và trò mới gặt hái được thành quả cao.
Cả cuộc đời mình, GS đã dành trí tuệ, tâm huyết và sức lực cho âm nhạc, cho dòng nhạc hàn lâm giao hưởng thính phòng. GS có điều gì nhắn nhủ với các nghệ sĩ trẻ ?
Tôi rất mong giới nhạc sĩ trẻ - những chủ nhân tương lai của nền văn hóa âm nhạc hiện đại Việt Nam, hơn ai hết, cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về nền văn hóa âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta và biết kết hợp với kiến thức học tập từ nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới, để có cơ sở làm nền tảng sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, mang tính nhân văn sâu sắc, hòa nhập cùng trào lưu âm nhạc tiến bộ của nhân loại n
Xin cảm ơn Giáo sư!
MINH AN thực hiện