Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) được nhiều người biết đến với thành tích mở đường bay từ TPHCM đi Manila (Philippines) năm 1986, khi ông là Tổng Đại diện Philippines Airlines tại Việt Nam. Người ta cũng biết đến ông với tư cách là Việt kiều có nhiều đóng góp trong lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế tại VN trong mấy chục năm qua. Nhưng ít ai biết, ngoài sự nhạy bén với thương trường, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn là người nhạy cảm, dễ xúc động với những chuyện không may của người khác.
1. Ông Hạnh có thói quen đọc báo trên xe khi đi đến nơi làm việc và nhiều lần sau khi gấp tờ báo ông không đến nơi làm mà cho xe rẽ về nơi có những người đang cần ông giúp đỡ. Như lần đến Bệnh viện Ung bướu TP. Trên tay cầm những tờ báo viết về hoàn cảnh bất hạnh, theo chỉ dẫn của y tá, ông thấy mẹ một cháu trai đang cố dỗ con ăn chén cơm chay mà bà vừa nhận được từ tổ cơm từ thiện. Nhìn bệnh nhân nhỏ đầu không sợi tóc, gương mặt xanh mét, mệt mỏi cố gắng nuốt muỗng cơm trong tay mẹ, ông Hạnh quay vội đi cố nén sự xốn xang trong lòng. Ngồi xuống bên cạnh, nhét vào tay bà mẹ quê nghèo khổ cái bì thư chứa 20 triệu đồng, ông Hạnh nói rất nhỏ điều gì đấy với chị. Chỉ biết khi ông ra về, bà mẹ trẻ tay nắm chặt bì thư, ngơ ngác nhìn theo ông, mắt đỏ hoe. Đó không phải lần đầu ông Hạnh đến với những mảnh đời bất hạnh ở các nơi chữa bệnh thông qua báo chí. Lại có lần, trên đường từ sân bay về nhà ông đã xuống xe bế xốc ông già bán hàng rong vừa bị một xe máy đụng vào rồi bỏ chạy. Giao bệnh nhân vào phòng cấp cứu, trước khi về, ông Hạnh kín đáo đưa bì thư tiền để giúp ông cụ qua cái ngặt trên đường.
“Vì sao ông thích làm từ thiện kiểu bí mật thế?”, ông Hạnh cười, kể - Năm 1984, ông về thăm quê nhà lần đầu tiên sau hơn chục năm xa xứ. Sau vài ngày đi chơi ở TPHCM, ông đưa vợ và hai con trai về Nha Trang thăm quê nội. Đêm hôm sau, cu con Henry, 5 tuổi sốt cao, máu ứa ra ở chân răng do sốt xuất huyết, ông Hạnh ôm con chạy như bay đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cấp cứu. Bệnh viện xốn xang vì tiếng khóc những bệnh nhân nhỏ tuổi đang sốt cao vì dịch sốt xuất huyết. Nhìn con nằm mê man với chai nước biển nhỏ chảy giọt ngắn, giọt dài mà thuốc men chống lại căn bệnh nguy hiểm khi ấy chỉ là những loại thuốc thông thường, ông Hạnh cảm thấy hoang mang. Chưa kịp chữa xong cu anh thì cu em Louis 3 tuổi cũng nhập viện vì sốt xuất huyết. Ông loay hoay và cảm thấy bất lực khi không biết dùng tiền để mua thuốc tốt ở đâu cho con. Biết ông là Việt kiều, nhiều người ân cần chỉ ông cách chữa dân gian bổ sung cho cách chữa Tây y rất hiệu quả (khi ấy cứ 10 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đã có 4 cháu phải ra đi).
Ông ngậm ngùi nghĩ - tiền những lúc thế này chẳng giá trị gì, hơn nhau ở cái tình đãi nhau khi hoạn nạn. Sau đó, ông đã quay về Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để giúp những người bệnh nghèo. Nhiều lần ông bị bảo vệ bệnh viện theo dõi khi thấy ông một mình “lủi” vào góc nằm của những người bệnh nặng, nghèo khổ theo chỉ dẫn trước đó của cô y tá quen. Và, cho đến khi ông giúp gia đình cô bé người Jarai bị bệnh hiểm nghèo chuyển viện về TPHCM thì ông thật sự là người thân của các bác sĩ, y tá ở bệnh viện đó. Ông bố trẻ người dân tộc không nói được tiếng Kinh chỉ biết đưa tay đập mạnh vào ngực, nơi trái tim đang thổn thức và gõ mạnh lên trán mình nhiều lần trước khi ông cầm bì thư chứa 30 triệu đồng lên xe chuyển thương. Nghe nói, sau đó vài tháng, ông bố người Jarai đã gùi một gùi đầy gạo, đậu và măng đến bệnh viện tìm ông để cám ơn.
2. Cơn mưa chiều ập đến khi chúng tôi đang trò chuyện khiến ông Hạnh nhớ đến cơn mưa cũ ở nhà hàng nhỏ bên biển Vũng Tàu. Một người đàn ông mù áo ướt lướt thướt cầm xấp vé số bọc kín trong bao ni lông, dọ dẫm đến bên ông, giọng run run: “Chú à, sắp đến giờ xổ số mà tui còn nhiều quá… bán không được là hết vốn”. Ông Hạnh dừng ăn, hỏi: “Ông còn bao nhiêu vé vậy?”. “Dạ… tới gần trăm lận”, ông già mù nói giọng run run muốn khóc. Ông Hạnh đưa ông già mù một triệu đồng, dặn: “Ông đã bán hết vé số hôm nay cho tui rồi đó nghe. Số vé này ông không được bán nữa, cất đi, biết đâu sẽ có vé trúng chiều nay”. Việc làm ấy khiến bà chủ nhà hàng nhớ mặt ông Hạnh. Thời gian sau ông quay lại nhà hàng ấy, bà chủ vồn vã nói như reo: “Ông già mù đó trúng số thiệt đó chú. Ổng trúng đâu chục triệu nên đổi nghề rồi”. Ông Hạnh cười tủm tỉm suốt bữa ăn đó. Thật ra cũng có nhiều người tốt bụng cũng hay tặng vài ngàn đến vài chục ngàn cho những người già, mù hay tàn tật đi bán vé số, nhưng “sao ông làm vậy?”, ông Hạnh cười nhẹ, nói: “Tôi thấy tôi là người thường gặp may mắn trong cuộc đời, tôi muốn chia cho người chưa may mắn một phần cơ may của tôi và mong họ sẽ gặp may để thoát nghèo”.
Nhiều ngôi trường tiểu học vùng sâu, vùng xa được xây tặng, những đợt bão dông cứu người khẩn cấp, hàng ngàn phần quà Trung thu tặng trẻ dân tộc vùng biên giới là việc làm mà những bằng khen, thư cám ơn của các địa phương trao tặng được lưu giữ trong phòng truyền thông Tập đoàn IPP đã thay ông Hạnh kể lại chúng tôi nghe những câu chuyện ngọt ngào mà ông Hạnh dành cho mọi người.
Phạm Thục