Gắn bó hàng chục năm với sự nghiệt ngã của nghiệp “gõ đầu trẻ”, nhiều thầy, cô đã chấp nhận sống với đồng lương ít ỏi để mang lại cho nhiều thế hệ học trò tri thức, niềm tin và cách sống làm người.
Đến với nghề bằng tình thương
Mới đặt chân đến lớp của cô Dung, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cô bé không mặc quần áo, tay cầm bộ quần áo, ngọng nghịu gọi cô: “Con không mặc được”. Dù thấy thương cô bé xinh xắn đáng yêu kia nhưng chúng tôi không khỏi cảm thấy sốc. Đó cũng là cảm giác thường trực trong những ngày đầu cô Dung đến với nghề nuôi dạy trẻ kém phát triển.
Những năm 90, khi trường chuyên biệt vừa ra đời, giáo viên cho lĩnh vực này hầu như thiếu trắng, trường đào tạo chuyên môn cũng không. Cô gái trẻ có cái tên rất đẹp Trần Thị Mỹ Dung đến với nghề chỉ đơn giản bằng tình thương, không kinh nghiệm cũng chưa kịp chuẩn bị tâm lý nhưng càng chứng kiến sự ngu ngơ, thiệt thòi của các bé, cô Dung càng dấn thân với nghề.
“Vì vậy mà tôi ở lại, không lựa chọn gì nữa”, cô Dung nhớ lại.
Giáo viên chăm sóc trẻ nhỏ bình thường vất vả một, đối với trẻ thiểu năng, việc ấy càng khó khăn gấp bội. “Nhiều em đã 15-16 tuổi nhưng hành động như con nít, không tự vệ sinh cá nhân, không kiềm chế được hành động. Ngôn ngữ của các cháu có giới hạn, khi không biểu lộ được ý muốn lập tức phản ứng lại với xung quanh bằng cách tự làm tổn hại mình hoặc quay sang cào cấu tấn công cô giáo. Cô phải thay quần áo,vệ sinh cho trẻ là chuyện thường. Cái nghề vất vả này đòi hỏi giáo viên lòng yêu nghề, yêu trẻ như một người mẹ. Bởi vậy, trường chuyên biệt luôn thiếu giáo viên”, cô hiệu trưởng Hà Thị Bích bộc bạch.
Mỗi ngày, cũng như các giáo viên ở đây, cô Dung phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30 sáng đến tối mịt, quần quật với công việc của một người thầy kiêm bảo mẫu. Ngoài dạy cho trẻ học văn hóa và khả năng tự chăm sóc bản thân, các cô còn là “vệ sĩ 24/24 giờ” lo lắng, giúp đỡ các cháu từ ăn uống, ngủ, tắm táp...
Nhưng cái khó khăn lớn nhất không phải là chăm học trò như chăm con mà chính là làm thế nào để tiếp cận và hiểu trẻ thiểu năng, tự kỷ? Trong khi ở Việt Nam, những nghiên cứu về trẻ tự kỷ còn rất hạn chế. Làm thế nào để các cháu tự kỷ tin tưởng, tiếp nhận mình thật sự là bài toán làm khó giáo viên. Nhiều người chịu “bó tay” với trẻ tự kỷ và kể cả phụ huynh không hy vọng đứa con khuyết tật học hành như bình thường.
Cái khó ló cái khôn, cô Mỹ Dung bắt đầu tìm tài liệu nước ngoài, nghiên cứu của các chuyên gia Việt kiều về trẻ tự kỷ. Cô phát hiện, trẻ thiểu năng, tự kỷ không có mẫu số chung, phải bắt đúng bệnh từng em mới có thể tiếp cận. Trong lớp cô, có em không chấp nhận cho người khác chạm vào da.
Cô phải nhờ đến vật trung gian tiếp xúc với em như gấu bông, vải mềm… dần dần trẻ thấy cô không làm hại mình sẽ chấp nhận cho gần gũi. Rồi có em chỉ thích bắt chước hành động theo phim hoạt hình, cô phải hiểu ý và chiều theo.
Khi hay tin trường sư phạm mở lớp đầu tiên về ngành Tật học, cô lập tức gửi đứa con nhỏ cho bà ngoại để cắp sách đến trường. Suốt tuần ở trường, ngày nghỉ phải tranh thủ đi học, 3 tháng hè cũng không được nghỉ. Cô Dung cứ miệt mài như thế suốt 4 năm và chính cô cũng thấy nhiều lúc mình quá lơ là với gia đình.
Và cái gì đến phải đến, gia đình cô tan vỡ, cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ ngập tiếng cười ngày nào giờ chỉ còn lại 2 mẹ con. Người giáo viên chăm sóc cho những trẻ khiếm khuyết cũng chịu những định kiến, thiệt thòi không kém. “Áp lực công việc, gánh nặng gia đình nhiều lúc khiến mình như muốn ngã quỵ, buông xuôi”, cô Dung tâm sự.
Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Nếu có cơ hội làm lại, cô có chọn cho mình con đường khác ít chông gai hơn?”. “Nếu được chọn lại, tôi vẫn đến với các em, chúng khiếm khuyết nhưng rất tình cảm. Lúc tôi buồn, chắc là các em không hiểu nhưng vẫn ngô nghê nói: “Cô bị đau lưng hả? Nằm xuống đi con đấm lưng cho”. Chúng thiệt thòi mà thương mình như vậy, sao nỡ bỏ đi”, cô Dung tâm sự.
Tìm tiếng nói từ những con số
Ngoài ngũ tuần - cái tuổi mà người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện về hưu, thầy Nguyễn Hoàng Hải lại dũng cảm cắp sách đi học, hòng mong tìm tiếng nói chung với những con số. Xuất phát từ thực tế là sinh viên ngành Kế toán - kiểm toán gặp khó khi đi thực tập ở các doanh nghiệp bởi lý do đơn giản “con số là bí mật kinh doanh không thể tiết lộ”, thầy đã tìm hiểu hệ thống kế toán kiểm toán của các công ty lớn nhỏ rồi tự xây dựng cho học trò một hệ thống thực hành kế toán sinh động như của một công ty chuyên nghiệp.
Từ đó, sinh viên không cần phải đi thực tập mà vẫn có được so sánh, số liệu, báo cáo, quy trình chứng từ… y như thật. Với thầy, học ngành kế toán - kiểm toán không chỉ để tính toán mà còn giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả hơn tài sản của mình.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, cậu sinh viên xuất sắc Nguyễn Hoàng Hải được giữ lại trường. Đó là thử thách buộc thầy phải lựa chọn giữa đi và ở, giữa kiếm tiền hay theo đuổi con đường học thuật. Ở lại trường đồng nghĩa với việc phải đi xe đạp, ở nhà thuê, ăn mì gói… Và anh đã quyết ở lại trường làm người thầy nghèo trên bục giảng. Nhưng để sống được với nghề, thầy Hải cũng phải bươn chải làm đủ thứ nghề từ thợ xưởng cưa, ngâm tre, lồ ô làm giấy cho đến hốt bùn.
Đó là câu chuyện cách nay đã hơn 30 năm và người thầy giáo trẻ ngày xưa giờ đã là Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán của trường CĐ Kinh tế TPHCM. Cuộc sống của thầy cũng đã bớt khó. Nhưng hàng ngày thầy vẫn đến trường trên chiếc xe máy cũ. Bài giảng của thầy không chỉ có kiến thức nghiệp vụ mà còn là cách thuyết phục đối tác, ngoại ngữ, giải quyết tình huống…
Đến giờ, nhiều người vẫn thắc mắc: Có trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh tế với nhiều lời mời “ra riêng” rất béo bở, tại sao thầy lại chấp nhận gắn bó với mức lương “bèo” của nghề giáo. Phải chăng đó là sự dấn thân? “Tôi không cao cả đâu, chắc tôi mắc nợ học trò”, thầy tâm sự.
Tiêu Hà – Thúy An
Thông tin liên quan |
Gương mặt đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản 2010: Lặng lẽ cống hiến |