Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, đề án thu phí của TP Hà Nội chỉ nên thực hiện khi các phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt hơn 10%.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng, TP Hà Nội chưa đưa ra các tính toán thuyết phục về việc thu phí phương tiện vào nội đô. Trước hết cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải, nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí thì mới nên triển khai. Bên cạnh đó, nội dung, bản chất của loại phí mới, phạm vi thu phí, đối tượng thu phí, hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí... cũng cần làm được rõ.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, sẽ có 87 trạm thu phí phương tiện đặt ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Thời gian thu phí xe vào nội thành trong khung giờ từ 5-21 giờ, có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Về lộ trình triển khai, từ năm 2021-2025, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; từ năm 2025-2030 sẽ tổ chức thí điểm thực hiện thu phí tại một số vị trí; từ năm 2030 sẽ thực hiện theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Đề án tạm thời đưa ra mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm. TP Hà Nội cũng tính toán cần khoảng 2.646 tỷ đồng đầu tư cho 87 trạm thu phí này.