Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội vừa cho biết, cơ quan này cùng với đơn vị tư vấn vừa xây dựng “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”.
Theo kết quả xây dựng đề án mà đơn vị tư vấn đã báo cáo với Sở GTVT TP Hà Nội, hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu xe và ôtô là gần 1 triệu xe. Và theo đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành nhưng do số lượng ôtô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí xe vào nội đô để giảm lượng ôtô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Sau một thời gian thực tế, tính toán và làm việc với các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm, đơn vị tư vấn đã đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội đô. Hầu hết các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố Hà Nội. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
Thời gian đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 giờ đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Trước đó, để triển khai các lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án quản lý xe cá nhân và giao Sở GTVT TP Hà Nội triển khai.