Hà Nội chi 107.573 tỷ đồng xử lý chất thải rắn

“Đến năm 2030, thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố xanh, sạch, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, góp phần giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp”. Đây là nội dung chính của một nghị quyết vừa được HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua ngày 6-12.

(SGGP).- “Đến năm 2030, thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố xanh, sạch, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, góp phần giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp”. Đây là nội dung chính của một nghị quyết vừa được HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua ngày 6-12.

Theo đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ: tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh, tùy theo từng vùng. Tổng mức đầu tư dự kiến để thực hiện quy hoạch chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng 107.573 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn: vốn vay ODA, vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển của TP Hà Nội.

A.THƯ

  • Đà Nẵng: Không siết chặt nhập cư vào khu vực ngoại thành

(SGGP).- Chiều 6-12, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, khẳng định: Đà Nẵng không siết chặt, không cấm nhập cư vào các quận, huyện khu vực ngoại thành. Bởi, theo đề án phát triển đến năm 2030, Đà Nẵng có khoảng 2,5 triệu dân, trong khi hiện nay dân số chưa đến 1 triệu dân. Vì vậy, Đà Nẵng sẵn sàng tiếp nhận những người muốn đến sinh sống và làm việc lâu dài tại đây.

Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, việc siết chặt nhập cư vào các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là nhằm đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội; đảm bảo quyền được học hành, quyền được chăm sóc y tế, nhà ở… Nếu không siết chặt thì sẽ gây nên tình trạng quá tải tại khu vực nội thành, vô hình trung biến Đà Nẵng trở thành thành phố nhiều tội phạm, thất nghiệp.

NG.HÙNG

  • Bình Định: Chủ động chống hạn, tăng cường quản lý tài nguyên

(SGGP).- Qua hai ngày làm việc, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định (Khóa XI) đã tập trung thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải pháp đối phó với tình hình hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sản xuất trong năm 2013; việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là titan.

Ngày 7-12, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định sẽ thảo luận tại hội trường; thực hiện chất vấn và nghe thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giải trình, trả lời chất vấn; thông qua dự thảo các nghị quyết trình kỳ họp.

NG.THÁI

  • Khánh Hòa: Trộm cắp, cướp giật chiếm 74,9% số vụ phạm pháp

(SGGP).- Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khánh Hòa (khóa V), nhiều đại biểu bức xúc trước nạn trộm cắp, cướp giật xảy ra trên địa bàn TP Nha Trang, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố thời gian qua. Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu những hạn chế của ngành công an trong việc để xảy ra 529 vụ trộm và cướp giật, chiếm 74,9% số vụ phạm pháp hình sự trong năm 2012.

Đại tá Trần Ngọc Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, nạn trộm cắp, cướp giật diễn ra phức tạp; ngành công an đang tăng cường lực lượng, mở chiến dịch đấu tranh tận gốc các nhóm tội phạm này.

V.NGỌC

  • Bình Phước: Chủ tịch UBND tỉnh xin lỗi và nhận trách nhiệm

Ngày 6-12, tại kỳ họp thứ 5, khóa VIII, HĐND tỉnh Bình Phước, trong bài phát biểu liên quan đến dự án quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã xin lỗi, nhận trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ông Trương Tấn Thiệu thừa nhận với trách nhiệm là người đứng đầu UBND tỉnh, nhưng trong quá trình lãnh đạo, điều hành đã thiếu kiểm tra, giám sát khiến dư luận bức xúc về dự án nâng cấp, mở rộng, thi công quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh.

Theo giải trình của Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước Hồ Văn Hữu, đối với dự án quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh hiện chỉ còn Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai đang thi công đoạn từ Đồng Xoài - Cầu 38, nhưng tiến độ rất chậm, một số vị trí đang thi công giải pháp thi công chưa hợp lý, không đảm bảo quy trình. Sở đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh biện pháp thi công và xây dựng tiến độ thi công chi tiết để sở theo dõi.

NG.VIỆT

Tin cùng chuyên mục