Hà Nội họp bàn kế hoạch cung ứng hàng hoá - thực phẩm khi dịch lan rộng

Trước nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng, có thể kéo dài chỉ thị giãn cách xã hội, sáng nay 31-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì, làm việc với TP Hà Nội để bàn các giải pháp chủ động sản xuất, điều tiết, kết nối cung - cầu hàng hoá, lương thực, thực phẩm...

Người dân Hà Nội kéo đến siêu thị để mua trữ hàng hoá thực phẩm trước hôm có lệnh giãn cách xã hội

Dịch Covid-19 ở Hà Nội đang có nguy cơ lan rộng hơn khi số ca dương tính đang tăng. Trước tình hình này, sáng nay 31-7, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp trực tuyến với TP Hà Nội để nắm bắt khả năng cung ứng hàng hoá nông sản - thực phẩm, công tác sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông - lâm - thủy sản giữa Hà Nội và các địa phương phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Siêu thị ở Hà Nội trống trơn vào đêm trước khi có lệnh giãn cách xã hội, song hiện tượng này chỉ là cục bộ

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô HTX, hộ gia đình, cá thể.

Các doanh nghiệp tham gia chế biến ba sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%) với tổng sản lượng cung cấp khoảng trên 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu về sản phẩm chế biến của Hà Nội hiện là 5.165 tấn, chủ yếu nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ, trong đó có hai chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm...

Hiện nay, nhiều siêu thị tại Hà Nội vẫn còn đầy ắp hàng hoá thực phẩm

Theo Sở NN-PTNT TP Hà Nội, hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội. 

Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản.

Do siết chặt kiểm dịch nên xảy ra ùn tắc kéo dài ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội

Việc phân phối gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ nếu dịch xuất hiện thì việc buộc phải tạm ngừng giết mổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nguồn hàng trên địa bàn các tỉnh.

Bên cạnh đó, nguồn tiêu thụ chính hiện nay là tại các chợ truyền thống, trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ là rất cao.

Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, ngày 30-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký Quyết định số 3430 về việc thành lập “Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19”. 

Theo quyết định mới ban hành vào ngày 30-7, tổ công tác tại phía Bắc do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm tổ trưởng, có nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra, xây dựng các phương án duy trì sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Tổ công tác này cũng có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để thúc đẩy sản xuất, chế biến tại các địa phương chưa bị hoặc nguy cơ bị dịch bệnh chưa cao; cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký quyết định thành lập “Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19” theo công văn số 970 ngày 18-7-2021 của Thủ tướng về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng chống dịch Covid-19, do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng.

Theo báo cáo, đến nay, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã kết nối được 414 đầu mối đăng ký cung ứng nông sản. Nhờ đó, lương thực thực phẩm cho TPHCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ở phía Nam dồi dào hơn.

Theo tính toán, Hà Nội hiện có 10,33 triệu dân. Nhu cầu lương thực - thực phẩm hiện nay như sau: 

Gạo: sản lượng sản xuất trong 1 vụ khoảng 338.028 tấn/vụ (trung bình khoảng 56.338 tấn/tháng), trong khi nhu cầu 1 tháng là 92.970 tấn, đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân, cần cung cấp từ bên ngoài là 36.632 tấn/ tháng (39,4%).

Thịt heo: sản lượng xuất chuồng 1 tháng khoảng 17.500 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của là 18.594 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu, cần cung cấp từ bên ngoài là 1.094 tấn/tháng (5,9%). 

Thịt gia cầm: sản lượng xuất chuồng trong 1 tháng là 10.671 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của là 6.198 tấn, như vậy sản lượng xuất chuồng thịt gia cầm trên địa bàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trứng gia cầm: sản lượng 1 tháng là 116,7 triệu quả, trong khi nhu cầu 1 tháng là 123,9 triệu quả, đáp ứng 94,2%, lượng trứng gia cầm cần cung cấp từ bên ngoài là 7,2 triệu quả (5,8%);

Thủy sản: sản lượng thủy sản thu hoạch 1 tháng là 10.350 tấn, nhập từ các tỉnh trên 2.000 tấn.

Thực phẩm chế biến: sản lượng sản xuất 1 tháng khoảng 1.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng 1 tháng là 5.165 tấn, chỉ đáp ứng 19%, lượng thực phẩm chế biến cần cung cấp từ bên ngoài là 4.240 tấn (81%).

Rau củ: sản lượng sản xuất 1 tháng là 67.299 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng là 103.300 tấn, đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu, lượng rau củ cần cung cấp từ bên ngoài là 36.001 tấn (34,9%).

Tin cùng chuyên mục