Hà Nội sau 5 ngày thực hiện Nghị định 34/CP: Các lỗi phổ biến giảm mạnh

Sau 5 ngày thực hiện NĐ 34/CP, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có chuyển biến khá rõ nét. Nhiều tuyến đường được coi là  điểm nóng về an toàn giao thông như Trường Chinh, Giải Phóng, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh… trở nên thông thoáng.

(SGGP).- Sau 5 ngày thực hiện NĐ 34/CP, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có chuyển biến khá rõ nét. Nhiều tuyến đường được coi là  điểm nóng về an toàn giao thông như Trường Chinh, Giải Phóng, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh… trở nên thông thoáng.

Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: “Việc tuyên truyền mạnh về Nghị định 34/CP và tăng nặng mức xử phạt trên địa bàn nội thành đã phát huy tác dụng. Hầu hết người dân Hà Nội đều nắm được thông tin và có ý thức tuân thủ luật giao thông. Các trường hợp vi phạm đều có thái độ tích cực khi chấp hành các hình phạt tăng nặng”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Đội Cảnh sát giao thông số 1 nhận xét: “Sau 5 ngày NĐ 34/CP có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông nhàn hơn trước. Số lượng các phương tiện vi phạm giảm tới hơn 50%. Tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm vẫn xảy ra ở một số nút giao thông nhưng nhìn chung đã giảm do các phương tiện không còn dám lấn vạch, vượt đèn đỏ… Đây là dấu hiệu khả quan trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội”.

Trung tá Lê Văn Hoan (Đội CSGT số 4) cho rằng, việc áp mức phạt cao đối với những vi phạm gây nên ùn tắc và TNGT... đã có hiệu quả. Các lỗi phổ biến như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, vào phố cấm, dừng đỗ sai quy định... giảm mạnh, người đi đường ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.  những ngày trước đó CSGT rất vất vả xử lý xe khách, xe taxi dừng đỗ sai quy định tại cổng bến xe phía Nam, đường Giải Phóng, bến xe Nước Ngầm... nay tình trạng này đã giảm. Tuy nhiên, còn một số lượng đáng kể người dân các tỉnh về Hà Nội vẫn vi phạm do không nắm được địa bàn và lực lượng liên ngành phải giải thích rõ hơn về mức phạt.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ của lực lượng liên ngành Hà Nội, mặc dù NĐ 34/CP đã đi vào cuộc sống nhưng hiện còn nhiều điểm vướng mắc cả từ phía người dân và phía các cơ quan chức năng. Điểm nổi bật nhất là việc xử lý người đi bộ vi phạm đang gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị định 34/CP, người đi bộ vi phạm luật sẽ bị xử phạt cao nhất đến 120.000 đồng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hầu như chưa có trường hợp người đi bộ nào bị xử phạt mà chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo, nhắc nhở ý thức chấp hành luật. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để xử phạt người đi bộ vi phạm khi họ không mang theo bất cứ loại giấy tờ gì. Một vấn đề tồn tại nữa, việc xử lý các trường hợp vi phạm không đội nón bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên gặp khó khăn do chưa thống nhất cách chứng minh tuổi chính xác của trẻ.

M.DUY

Tin cùng chuyên mục