Hà Nội thiếu lao động do chưa đãi ngộ đúng mức

Hà Nội thiếu lao động do chưa đãi ngộ đúng mức

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn liên tục thông báo và tổ chức tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật nhưng số lượng tuyển dụng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân do giữa người lao động và nhà tuyển dụng khó tìm được tiếng nói chung về tay nghề, mức lương và điều kiện đãi ngộ.

Có thể thấy, thực trạng giá điện, nước, xăng, thực phẩm, thuê nhà... bị đẩy lên chóng mặt khiến phần lớn người lao động không trụ nổi cuộc sống tại Hà Nội. Chị Dương Thị Luyến, công nhân Công ty Canon Việt Nam, cho biết: “Với mức lương 2 triệu đồng/ tháng, chúng tôi không đủ chi phí cuộc sống hàng ngày trong tình cảnh vật giá leo thang. Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm cơ hội việc làm khác tốt hơn”. Theo chị Luyến, đa phần công nhân, lao động phổ thông chưa gắn bó được lâu dài với công ty là do chế độ đãi ngộ chưa đúng mức.

Khu nhà trọ chật hẹp tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội.

Khu nhà trọ chật hẹp tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội.

Ban quản lý các KCN - KCX Hà Nội cho biết, năm nay các doanh nghiệp cần khoảng một vạn lao động, tuy nhiên nguồn tuyển dụng đang bị thu hẹp do lao động có xu hướng trở về làm tại các KCN gần nhà. Nguyên nhân là do thu nhập của người lao động (tính cả các khoản phụ cấp tăng ca, đi lại, độc hại...) cũng chỉ từ 2-2,2 triệu đồng/tháng, không thể trang trải cuộc sống xa nhà. Vì vậy, người công nhân khó gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tình trạng nhấp nhổm, tìm kiếm cơ hội mới luôn diễn ra.  

Với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng tại Công ty Nissei Electric Hà Nội, anh Triệu Văn Thành nói: “Chúng tôi phải làm việc vất vả nhưng số tiền được trả không đủ trang trải cuộc sống, huống chi tôi lại là chủ gia đình. Vì vậy, cứ công ty nào trả lương cao hơn là tôi sẵn sàng nhảy việc”. Anh Thành cũng cho rằng, các công ty chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận cho mình, còn chỗ ở cho người công nhân không được lo liệu tới nơi tới chốn, thành ra người lao động luôn sống trong cảnh chật vật, tâm lý không ổn định. Vì vậy, tại KCN Bắc Thăng Long - Hà Nội, Công ty Canon Việt Nam dù đã thông báo nhiều ngày cần tuyển gấp 500 công nhân nữ, Công ty Nissei Electric Hà Nội cũng đang thông báo tuyển 200 công nhân nữ thời vụ nhưng ở các văn phòng tuyển dụng ấy vẫn vắng bóng lao động tìm việc.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Nội cho biết trong năm 2010 sở sẽ đẩy mạnh hơn các biện pháp tạo việc làm bền vững. Cụ thể, hai trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội sẽ tổ chức 36 phiên giao dịch việc làm cố định, góp phần tạo việc làm mới và ổn định cho 135.000 người lao động. Các phiên giao dịch việc làm sẽ được đơn vị chức năng tổ chức định kỳ vào các ngày 1, 10 và 20 hàng tháng. Sở cũng có kế hoạch tổ chức 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh cùng 7 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội. Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng kết hợp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm với công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

BẢO PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục