Hà Nội vào lễ hội tháng giêng

Ngoài những hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức vui chơi ở nhiều điểm trong nội đô (như biểu diễn múa rồng ở khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm, chơi cờ người ở Trung tâm Triển lãm Vân Hồ…), Hà Nội còn rất nhiều lễ hội đặc sắc khác như lễ hội Đống Đa, diễn ra vào ngày 5 Tết Nguyên đán (5-1 Âm lịch ).

Đây là lễ hội mừng chiến công lẫy lừng của quân Tây Sơn, do Hoàng đế Quang Trung lãnh đạo, đã quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “Rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn… Hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại gò Đống Đa lịch sử.

Ngay sau đó là lễ hội Cổ Loa diễn ra tại xã Đông Anh, ngoại thành Hà Nội từ ngày 6 đến 16 tháng giêng Âm lịch (mùng 6 là ngày chính hội) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương. Ông là người đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cũng khai hội vào ngày mồng 6 tháng giêng, kéo dài đến tận ngày 25 tháng 3 Âm lịch - có lẽ là lễ hội dài nhất Việt Nam.

Tiếp đến là hội Quán Thánh (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín), để tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng; hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín) trước đây là lễ cầu mưa của vua chúa, nay là dịp lễ Phật cầu may đầu xuân của dân trong vùng. Hội làng Chuông xã Phương Trung, huyện Thanh Oai diễn ra vào ngày 10 tháng giêng Âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu, hội thổi cơm thi…

Đặc biệt, hội Dô (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai), trước đây 36 năm mới mở hội một lần, nhưng nay diễn ra hàng năm, từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng Âm lịch để tưởng nhớ công lao của Đức thánh Tản Viên, người đã truyền dạy dân làng các điệu hát dô – một phần không thể thiếu của lễ hội…

BÌNH AN 

Tin cùng chuyên mục