(SGGP).- Chiều 3-8, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa phát hiện được tại địa bàn xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ một chiếc ấn đồng (ảnh) chạm rồng cổ độc đáo và quý hiếm nhất từ trước đến nay ở Hà Tĩnh.
Ấn đồng vẫn còn nguyên vẹn được cất giấu trong một chiếc bình gốm có gắn nắp đậy kín chôn sâu dưới lòng đất khoảng 2m. Chiếc ấn cao 18cm, nặng 1,3kg, phần núm ấn chạm nổi một con rồng lớn, đầu rồng cao 3cm, miệng há lưỡi dài 5cm, đuôi rồng có 5 nhánh, mặt trước ấn chạm nổi hai con rồng nhỏ ở tư thế “lưỡng long triều nhật”.
Thân ấn vuông, kích thước mỗi cạnh dài 6cm, các mặt đều được khắc chữ Hán theo lối chữ Triện, mặt trước khắc chữ “Long”, mặt sau khắc chữ “Hổ”, mặt bên trái có 4 dòng khắc nổi 16 chữ, hiện mới đọc được một số chữ; mặt bên phải khắc hai con dơi ngậm đồng tiền và hai dòng chữ Hán đối nhau, đáy ấn khắc chữ “Phúc Lộc chi ấn” (ấn của Phúc Lộc).
Theo các nhà nghiên cứu nhận định, phong cách chế tác, chất liệu và kỹ thuật chạm trổ trên chiếc ấn đồng này theo thể thức của ấn triện thời nhà Nguyễn. Đây là một kiệt tác nghệ thuật độc đáo được những nghệ nhân thời xưa thiết kế, đúc đã đạt đến trình độ kỹ xảo, điêu luyện bậc nhất.
D.QUANG – V.Đ.THI