Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ vừa mở phiên điều trần về biển Đông và nghe tham luận của 3 chuyên gia tên tuổi. Tất cả các ý kiến đều cho rằng, chính quyền Mỹ đã quá rụt rè trong vấn đề biển Đông và hệ quả là để Bắc Kinh ngày càng lấn lướt với các yêu sách phi lý về chủ quyền ở biển Đông.
Trung Quốc thực hiện các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép ở biển Đông
Thiếu biện pháp cụ thể, mạnh mẽ
Nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch tiểu ban Hải lực, cho rằng chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ để thể hiện chiến lược đó không đủ chống lại đà vươn lên về quân sự và thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Ông Forbes tỏ ý quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc lợi dụng thời cơ những tháng cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, mở rộng việc bồi đắp bãi cạn Scarborough, tăng tốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông nhằm thách thức quyết tâm của Mỹ.
Trong tình hình đó, theo ông Forbes, Mỹ cần có biện pháp mạnh để răn đe không cho Bắc Kinh tiến hành các hoạt động nhằm đạt được ý đồ. Chủ tịch tiểu ban Hải lực cũng nhấn mạnh, các ý kiến của giới chuyên gia rất cần thiết để có thể chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực và duy trì một thế cân bằng quân sự ổn định trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Chỉ rõ hành vi phi pháp
Ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về biển Đông đã chỉ ra các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Đồng thời, đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.
Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học viện Chiến tranh trên biển của Mỹ cho rằng, chính quyền của Tổng thống Obama đáng lẽ phải gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông là “phi pháp” thay vì chỉ gọi là “quá đáng”. Theo giáo sư Kraska, Mỹ cần làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách phi lý chủ quyền của Trung Quốc không chỉ là quá mức mà là bất hợp pháp. Do vậy, ông Kraska đề nghị “phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao”. Trong khi đó, bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhấn mạnh đến tác hại của thái độ quá thận trọng mà Washington dành cho Bắc Kinh trong thời gian qua. Theo bà Glaser, việc chính quyền Tổng thống Obama dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran khiến Washington không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ biển Đông. “Đó là sai lầm. Hoàn toàn có thể làm cả 2 việc cùng một lúc và nhất thiết phải nói rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được”.
Về quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức “qua lại vô hại” mà Hải quân Mỹ đã áp dụng trong 3 chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông. Ông Kraska cho rằng, Mỹ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, vì rõ ràng là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Giáo sư Kraska đề nghị, Mỹ phải tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn, một mình hoặc với nước khác, vì quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Trong khi đó, tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh trên biển phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng hải quân và hải cảnh, Trung Quốc còn có một lực lượng “dân quân biển” đang giúp Bắc Kinh bành trướng ở biển Đông.
ĐỖ CAO (tổng hợp)