Hai câu chuyện, một góc nhìn

LÊ SƠN HÙNG

Cô gái trẻ Lê Bảo (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) vừa được đề cử là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 - danh hiệu của UBND TPHCM dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Tấm gương sống và học tập của cô đã khiến nhiều người cảm phục. Cô ở Cần Thơ, học xong Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai rồi thi vào Đại học Kiến trúc TPHCM.

Cô kể về những năm tháng ở trường phổ thông: “Tôi không đi học thêm và có khi không làm đủ bài vì phải đi làm vườn, bán trái cây để phụ giúp gia đình. Tôi luôn tìm một hướng giải khác trước một bài toán và rồi những điểm 0 khiến sự tự tin trong tôi dần bị tiêu diệt. Tôi trở thành một đứa trẻ nhút nhát, nghe giáo viên gọi tên là giật bắn người, mồ hôi túa ra như tắm”. Năm đầu vào đại học, cô sinh viên Lê Bảo mạnh mẽ thể hiện mình, nhưng không được chấp nhận, và 3 năm học sau cô rơi vào khủng hoảng và kiệt sức bởi mục tiêu điểm số. Cô nhớ lại lời khuyên của người thầy cũ: “Các em đến đây vì nhiều lý do khác nhau nhưng thầy tin các em là người thông minh. Chỉ đơn giản vì các em chưa được hướng dẫn tốt hay còn lơ là việc học. Quá khứ không nên nói tới, bắt đầu hôm nay các em phải khác!”. Lời khuyên của thầy đã thành động lực cho cô đi tiếp. Trong quãng thời gian bế tắc, cô ra công viên dạy vẽ cho các em thiếu nhi - nơi đây là tiền thân của Câu lạc bộ Năng khiếu dạy vẽ cho trẻ tự kỷ sau này của cô giáo Lê Bảo. Cô tâm sự: “Mỗi phòng học là một thế giới sáng tạo không giới hạn, mỗi ngôi trường không có sự cấm đoán, không có định kiến và áp đặt, không có kỳ thị”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp Quốc hội sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần “nhận lỗi, nhận trách nhiệm” về những yếu kém, tồn tại của ngành, dù ông chỉ mới ngồi vào “ghế nóng” này không lâu. 300.000 sinh viên ra trường trong 5 năm nhưng vẫn thất nghiệp không chỉ là nỗi nhức nhối của xã hội mà còn là gánh nặng của bao nhiêu gia đình. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại không đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường, của doanh nghiệp, thậm chí không soạn nỗi một giấy mời hay thông báo. Bộ trưởng cho biết “rất trăn trở vấn đề này” và hứa sẽ “tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra”.

Trong phiên chất vấn còn có hàng loạt câu hỏi liên quan đến giáo dục, như: Đề án ngàn tỷ đồng nhằm phổ cập ngoại ngữ nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu, trong khi thời gian kết thúc đề án đã gần kề; chuyện học thêm - dạy thêm; chuyện thi cử… Trong tất cả các phiên chất vấn của các kỳ họp Quốc hội, giáo dục vẫn luôn là chuyện nóng vì liên quan sinh tử đến hàng triệu gia đình, đến tương lai đất nước. Đổi mới giáo dục những năm gần đây có những bước đi đột phá, sáng tạo, nếu không nói là táo bạo, được dư luận đánh giá cao. Nhưng chừng ấy chưa đủ, khi căn bệnh thành tích vẫn đè nặng trên trang giáo án, bạo lực học đường còn nhan nhản, chương trình vẫn nặng trịch…

Khẳng định bản thân, dám tư duy, dám ước mơ, không đi theo lối mòn đang trở thành xu thế của nhiều bạn trẻ, trong đó có Lê Bảo. Chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam, chân thành gửi lời chúc và niềm mong mỏi các thầy cô cùng ngành giáo dục tiếp sức cho các học sinh - sinh viên tự tin vào đời từ một nền giáo dục khai phóng, không định kiến, áp đặt hay lối mòn.


LÊ SƠN HÙNG
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục