Hai di tích bên sườn núi

Hai di tích một bên sườn núi/ Mặt trời chiếu qua mỗi buổi như nhau/ Một ăn mặn và một ăn chay/ Cũng đều vì đất chết cho đất/ Một danh tướng với một nhà sư/ Ai thoát trần ai còn lụy tục, những vần thơ trên của nhà thơ Hồ Thanh Điền (nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật An Giang) viết về di tích lăng Thoại Ngọc Hầu và mộ Phật Thầy Tây An, cùng ở bên sườn núi Sam, thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là nơi an nghỉ của hai nhân vật lịch sử danh tiếng, có công lao lớn trong công cuộc xây dựng đất An Giang xưa.
Hai di tích bên sườn núi

Hai di tích một bên sườn núi/ Mặt trời chiếu qua mỗi buổi như nhau/ Một ăn mặn và một ăn chay/ Cũng đều vì đất chết cho đất/ Một danh tướng với một nhà sư/ Ai thoát trần ai còn lụy tục, những vần thơ trên của nhà thơ Hồ Thanh Điền (nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật An Giang) viết về di tích lăng Thoại Ngọc Hầu và mộ Phật Thầy Tây An, cùng ở bên sườn núi Sam, thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là nơi an nghỉ của hai nhân vật lịch sử danh tiếng, có công lao lớn trong công cuộc xây dựng đất An Giang xưa.

“Tứ ân”

Ngôi chùa Tây An đồ sộ, cổ kính, lạ mắt nằm ngay ngã ba dưới chân núi Sam. Chùa được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và được xác lập Kỷ lục Việt Nam vì có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật của Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Đây là ngôi chùa gắn liền với tên tuổi danh nhân Đoàn Minh Huyên.

Chùa được Tổng đốc Doãn Uẩn xây dựng năm 1847 với tên Tây An mang thông điệp đầy ý nghĩa: Ước mong bờ cõi phía Tây được an định. Chùa nằm trên nền cao, thoáng rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi. Trước chánh điện có 3 cổ lầu. Ngôi giữa nóc tròn, đỉnh nhọn như các tháp Ấn Độ, có tượng Phật đứng giữa. Hai bên là lầu chuông và lầu trống.

Chùa Tây An cũng là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng nhất ở An Giang, với khoảng hơn 200 pho tượng. Đa số tượng được làm bằng gỗ, chạm trổ sắc nét, đậm triết lý Phật giáo. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hoành phi, liễn đối cổ có giá trị nghệ thuật. Nội - ngoại thất chùa được tạo tác công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.

Di tích Thoại Ngọc Hầu tại Châu Đốc, An Giang

Năm 1849, Phật Thầy Tây An (1807 - 1856) đến tu tại chùa. Ông là nhà dinh điền, nhà yêu nước, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Những năm 1847 - 1849, quanh vùng Hậu Giang xảy ra dịch bệnh, ông đi nhiều nơi trị bệnh và khuyên mọi người tu hành.

Đạo của ông dạy tín đồ “Tứ ân”: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Tu không trọng hình thức, không bày trí hình tượng mà chỉ thờ Trần điều (tấm vải đỏ) tượng trưng cho vô vi và thanh tịnh. Cũng không tụng kinh, không xuất gia, vừa làm ăn sinh sống, vừa tạo tác phước điền. Ông còn cùng các đệ tử khẩn hoang, lập xóm ấp gom dân đến dinh sống và canh tác.

Người đời tôn xưng ông là Phật Thầy Tây An. Ông mất ngày 12-8 âm lịch và hàng năm trở thành ngày vía Phật Thầy Tây An, thu hút hàng chục ngàn người từ các nơi về dự. Hiện nay, phía sau chùa Tây An còn ngôi mộ đơn sơ để đất bằng chứ không đắp nấm mộ.

Khai quốc công thần

Cách đó không xa, một di tích cũng nằm cùng “một bên sườn núi”, đó là lăng Thoại Ngọc Hầu, Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Trong khu chính có 3 ngôi mộ xây bằng hồ ô dước đơn sơ, khiêm tốn. Ngôi mộ ở giữa của chính Thoại Ngọc Hầu, bên phải của chánh thất Châu Vĩnh Tế, bên trái (nhỏ hơn) của thứ thất Trương Thị Miệt. Phía sau khu lăng là đền thờ Thoại Ngọc Hầu có kiến trúc nhỏ gọn, đơn giản, đậm nét truyền thống. Hai bên khu chính là Nghĩa trủng có trên 50 ngôi mộ cũng được xây bằng hồ ô dước với nhiều hình dạng khác nhau. Sau khi đào kinh Vĩnh Tế hoàn tất, hài cốt những người bỏ mình trong lúc đào kinh đã được Thoại Ngọc Hầu quy tập và cải táng về đây an nghỉ.

Thống chế Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829) là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn, người đặt nền móng trong việc hình thành và xây dựng đất An Giang. Ông được phong “Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn, Trụ quốc Đô thống, Tráng Võ tướng quân, Thoại Ngọc Hầu tôn thần”.

Trong quá trình trấn nhậm, ông đã thực hiện các công trình góp phần phát triển miền biên viễn. Năm 1818, ông cho đào kinh Thoại Hà dài 30km, nối Long Xuyên - Rạch Giá với khoảng 1.500 nhân công. Năm 1819 - 1824, đào kinh Vĩnh Tế dài 90km, nối Châu Đốc - Hà Tiên với khoảng 80.000 nhân công. Ghi nhận công lao, triều Nguyễn lấy tên ông và vợ để đặt cho 2 dòng kinh và 2 ngọn núi là Thoại Sơn, Thoại Hà, Vĩnh Tế Sơn, Vĩnh Tế Hà.

VĨNH THÔNG

Tin cùng chuyên mục