Nhớ lại mùa đông xuân 1960 - 1961, một số sĩ quan của Sư đoàn 330 miền Nam tập kết tập huấn ở Trường Quân chính Quân khu 4 ở Nghệ An. Khi được biết ngôi trường đó ở huyện Nam Đàn và rất gần làng Kim Liên thì sự hào hứng trở nên khó tả. Vì rằng rồi thế nào chúng tôi, những người con Nam bộ cũng có dịp được đến thăm nơi Bác sinh ra.
1. Đến khi sắp kết thúc niên học, chỉ còn khoa mục cuối cùng là tiểu đoàn diễn tập tấn công rừng núi thì thay vì đêm ấy, đoàn xe chở học viên lên núi rừng huyện Thanh Chương, nhưng không, đoàn xe lại chở chúng tôi về hướng thị xã Vinh. Thấy lạ, nhưng không một ai dám lên tiếng hỏi vì sao. Đến khi đoàn xe đi về hướng làng Kim Liên và rẽ vào thì bấy giờ chúng tôi mới đoán chừng rằng có thể là Bác Hồ về quê chăng, nên xe mới rẽ vào đây.
Sự phán đoán của chúng tôi quả không sai. Và khi sáng ra nhìn thấy các nẻo đường làng, bà con kéo nhau đến tận sân làng Kim Liên thì chúng tôi mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau.
Thế là chúng tôi phân chia trách nhiệm bảo vệ từng quãng đường, nơi sân bóng có lễ đài Bác sẽ đứng trên đó.
Tất cả chúng tôi đều hướng về con đường đoán chắc đoàn xe của Bác sẽ từ Vinh về. Nhưng chờ mãi đến 9 giờ vẫn không thấy đoàn xe nào cả, bỗng từ phía Tây, nơi sông Lam chảy qua ầm ầm tiếng máy bay. Thì ra đó là chiếc trực thăng chở Bác về quê.
Hàng ngàn dân làng Kim Liên cứ liên tục hô Bác Hồ… Bác Hồ, khiến chiếc trực thăng không còn nơi hạ cánh. Phải đến khi đồng chí Chu Huy Mân, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đứng ở cửa trực thăng vẫy tay một lúc, bà con mới nhớ ra, dạt sang hai bên. Chiếc trực thăng hạ xuống và một biển người trùng trùng ào đến: Bác ơi, Bác ơi vang trời.
Chúng tôi bị cuốn vào làn sóng tình cảm của dân làng Kim Liên, chỉ cố thu lấy hình ảnh Bác mà bấy lâu chúng tôi khát khao chờ đợi, một cơ hội có một không hai. Thật là sung sướng khi chúng tôi được ngồi rất gần Bác lúc Bác đứng trên lễ đài.
Chao ôi, nét hiền từ của người cha, đôi mắt sáng ngời của một lãnh tụ thật giản dị. Chỉ là bộ kaki cùng đôi dép cao su dân dã, nhưng có sức cuốn hút lòng người.
Bác rất vui và khen ngợi bà con Kim Liên đã lao động sản xuất giỏi, đời sống được ấm no và nhất là trẻ con được đến trường đầy đủ. Rồi Bác xin phép bà con, cho phép Bác được về thăm lại ngôi nhà nơi Bác sinh ra.
Nói xong, Bác đi xuống thang lễ đài và đến trước một bà cụ đang chống gậy cặm cụi từng bước. Tôi nghe Bác gọi: “Thưa cô…”. Thưa xong, Bác liền dìu người cô ngoài 80 tuổi. Hai cô cháu tóc bạc lững thững từng bước. Không chỉ có những người lính Nam bộ chúng tôi mà nhiều, rất nhiều người khóc òa khi nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ dìu người cô ruột của mình đi dưới lũy tre xào xạc. Bác vào nhà, thắp 3 nén nhang đứng trước bàn thờ tổ tiên. Rồi Bác đi vào nhà bếp, như còn nhớ mãi từng bước đi thuở xa xưa… Chợt Bác dừng lại ở ngách thông qua gian bếp. Bác đứng lặng còn chúng tôi thì nín thở. Bác như sống lại với quá khứ. Bác nói: “Đúng, đây là nơi mẹ tôi thường ngồi để quay sợi, chiếc sa ngày xưa nó như thế”.
Không ai bảo ai, chúng tôi tranh thủ nhìn hình ảnh của người con làng Sen, một lãnh tụ trong bộ kaki giản dị, một đôi dép cao su. Đó là lần đầu tiên chúng tôi đứng cạnh Bác, sung sướng và rưng rưng.
2. Chín năm sau, một lần nữa tôi được đứng bên cạnh Bác. Nhưng là khi người đã về cõi vĩnh hằng.
Lúc ấy tại Hà Nội, Chính phủ đã quyết định bí mật thành lập thêm một xưởng phim giải phóng để hoàn tất khâu hậu kỳ phim. Bởi vậy, anh Khương Mễ và tôi là tổ quay phim duy nhất được túc trực ngay bên cạnh quan tài của Bác, ghi hình lễ tang lịch sử này.
Tôi không thể nào quên đôi mắt ràn rụa nước mắt, đỏ hoe của đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Đức Thọ túc trực bên quan tài. Dòng người dân trong nước và khách quốc tế đội mưa, theo thứ tự đi ngang linh cữu Bác. Ngoài trời, cơn mưa tầm tã không ngăn cản được dòng người vào viếng Bác mỗi lúc một đông.
Nhiều ngày đêm liên tục, anh Khương Mễ và tôi ghi lại hình lễ tang Bác, chứng kiến nỗi đau của biết bao người. Nhưng người làm tôi xúc cảm tột cùng là chị Mười Mẫn, người nữ anh hùng của miền Nam. Chị cùng đoàn đại biểu Lực lượng Vũ trang Quân Giải phóng được ra thăm Bác, nghẹn ngào nói: “Bác ơi, chúng con từ miền Nam ra thăm Bác. Nhưng vậy là không kịp rồi Bác ơi!”.
Tôi bàng hoàng trước sự xúc động của chị Mười Mẫn, nhưng chợt nhìn thấy anh Khương Mễ đang dán mắt vào ống kính trở nên run rẩy và sắp đánh rơi chiếc máy. Tôi chưa biết phải xử trí như thế nào thì may quá đồng chí Trường Chinh vỗ vai tôi: “Giúp anh Mễ, anh ấy sắp quỵ rồi”. Thế là tôi lao tới, cầm lấy chiếc máy trên đôi tay anh. Tôi kịp nhìn thấy đôi mắt anh nhòe nước mắt cùng với chị Mười Mẫn.
Đó là lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng tôi được vinh hạnh ở bên Bác kính yêu.
NGUYỄN KẾ NGHIỆP